Một vấn đề làm “đau đầu” các nhà lãnh đạo châu Âu từ nhiều tháng nay là vấn đề ngân sách chung EU, sẽ tiếp tục được các nhà lãnh đạo khối này thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tuần này. Tuy nhiên, thoả thuận ngân sách EU được cho là sẽ không dễ dàng đạt được bởi ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, mâu thuẫn của các quốc gia xung quanh vấn đề này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 3/2 cho biết, Pháp sẵn sàng nhất trí với đề xuất ngân sách Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2014-2020 tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tuần tới. Tổng thống Hollande cũng cho rằng, các cuộc đàm phán về vấn đề ngân sách EU là rất khó khăn bởi việc này có liên quan trực tiếp tới các lợi ích quốc gia. Do đó yêu cầu của các nước về ngân sách EU là hoàn toàn dễ hiểu và EU sẽ còn phải nỗ lực rất lớn để đạt được thoả thuận ngân sách này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Mario Monti tại điện Elyseé, Tổng thống Pháp Hollande nói: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được một thoả thuận tại Hội nghị thượng đỉnh tuần tới, song các điều kiện của thoả thuận này hiện vẫn chưa được thống nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn vài ngày nữa mới tới cuộc họp và hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được một kết quả tốt đẹp, một cuộc đàm phán thành công về triển vọng tài chính”.

Tuyên bố được Tổng thống Pháp đưa ra trong bối cảnh nhiều nước thành viên EU vẫn chưa nhất trí với đề xuất ngân sách chung của EU khi một số quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu là Anh, Thuỵ Điển, Hà Lan đòi hỏi cắt giảm bớt một phần không nhỏ trong ngân sách chung của EU, bởi các nước này không muốn phải gánh trách nhiệm đóng góp lớn trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng như hiện nay. Trong đó, Anh là quốc gia đòi hỏi sự cắt giảm nhiều nhất trong ngân sách EU. Anh cũng không nhất trí với khoản tiền mà nước này được EU phân bổ lại hàng năm vì cho rằng khoản tiền này quá ít ỏi so với đóng góp của Anh. Điều này đã dẫn tới sự căng thẳng giữa Anh và EU trong vấn đề ngân sách chung. Không chỉ Anh, mà Italy, một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU cũng bắt đầu có những dấu hiệu chia rẽ với EU xung quanh vấn đề này. Thủ tướng Italy Mario Monti ngày 3/2 cho biết, khoản đóng góp của mỗi quốc gia vào ngân sách chung của EU cần phải tương ứng với tình hình kinh tế của quốc gia đó. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và đang phải thắt chặt chi tiêu như Italy có thể giảm phần đóng góp. Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Mario Monti cũng nhấn mạnh, việc cắt giảm ngân sách vẫn phải đảm bảo tính hợp lý: “Tôi hy vọng chúng ta có thể đạt được một thoả thuận vào tuần này, song vẫn phải đảm bảo tôn trọng gói ngân sách mà chúng ta đã đàm phán vào hồi tháng 11/2012 nhằm đảm bảo tính hợp lý của ngân sách”.

Trước đó, tại một cuộc họp vào cuối tháng 11/2012, các nhà lãnh đạo EU đã không thể tìm được tiếng nói chung trong một thỏa thuận về ngân sách. Các nhà đàm phán đã không nhất trí với đề xuất dự thảo ngân sách mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rumpuy đưa ra khi ông này yêu cầu cắt giảm 80 tỉ euro từ ngân sách hơn 1.000 tỉ euro trong giai đoạn 2014-2020 do Uỷ ban châu Âu đề xuất.

Áp lực đang đè nặng lên các nhà lãnh đạo châu Âu tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ vào ngày 7-8/2 tới. Họ cần phải đạt được một thoả thuận về ngân sách vốn đã bị trì hoãn quá lâu, trong một nỗ lực nhằm đưa khu vực này thoát khỏi những khó khăn, mâu thuẫn về tài chính. Nếu không, châu Âu sẽ không còn đủ khả năng tài chính để ngăn chặn những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trong khối. Và hệ luỵ của việc này sẽ không chỉ xảy ra trong phạm vi EU mà sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khác trên thế giới./.