Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/9 đã thông qua kế hoạch khẩn cấp tiếp nhận 40.000 người tị nạn do Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng 5 vừa qua. Trong một kế hoạch đầy tham vọng, chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng thông báo kế hoạch tái định cư thêm 120.000 người đang tìm kiếm tị nạn.

Nhiều nước ngoài khu vực Liên minh châu Âu thông báo sẽ chấp nhận thêm nhiều người tị nạn để giảm nhẹ gánh nặng cho cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. 

jean_claude_juncker_european_commission_getty_subscription_1024x640_vqgv.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (ảnh: Getty)

Tại phiên bỏ phiếu của nghị viện châu Âu tại thành phố Strasbourg của Pháp, có tổng cộng 498 nước thành viên bỏ phiếu cho kế hoạch, với 158 phiếu chống và 37 phiếu trắng với đề xuất của Ủy ban châu Âu kêu gọi phân bổ 40.000 người di cư và tị nạn từ Italy và Hy Lạp đến các nước thành viên khác. 

Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng công bố kế hoạch tham vọng phân bổ hạn ngạch bắt buộc để tiếp nhận thêm 120.000 người tị nạn.

Theo kế hoạch, 120.000 người tị nạn đang tạm trú tại Italy, Hy Lạp và Hungary, những nước vốn đã bị quá tải bởi các dòng người di cư liên tục đổ tới trong thời gian qua, sẽ được phân bổ cho các nước thành viên trong khối theo số lượng đã được định trước.

Theo đó, Đức sẽ tiếp nhận hơn 31.000 người di cư, Pháp 24.000 người, Tây Ban Nha 15.000 người… Ông Juncker hối thúc các nước thành viên chấp nhận thêm nhiều người tị nạn theo cơ chế có thể là bắt buộc. Những nước từ chối có thể đối mặt các biện pháp phạt tài chính.

Ông Juncker nói: “Chúng tôi sẽ không đề cập đến số lượng 40.000 người tị nạn, 120.000 người mà tận 160.000 người. Châu Âu cần phải chịu trách nhiệm và chung tay. Tôi hy vọng tất cả các nước sẽ đạt được đồng thuận. Chắc chắn sẽ không dễ dàng nhưng chúng ta cần phải đưa ra hành động vào thời điểm này”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng thông báo Liên minh châu Âu sẽ thành lập một quĩ trị giá 2 tỉ USD hỗ trợ cho các hoạt động nhằm giảm số người di cư kinh tế từ châu Phi tới châu Âu.

Một nửa triệu người di cư đã vào châu Âu năm nay, tạo nên một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Hiện chưa rõ liệu đề xuất mới của Ủy ban châu Âu có được các nước thành viên khác chấp nhận hay không. Một số nước cho biết họ sẽ bỏ phiếu chống.

Slovakia nằm trong số những nước phản đối phân bổ hạn ngạch, Thủ tướng Robert Fico  tuyên bố nước này sẽ không bị gây sức ép bởi Pháp hay Đức. Với chia rẽ gia tăng, ông Juncker hối thúc bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu sẽ có cuộc gặp vào đầu tuần tới ủng hộ kế hoạch mới của ông.

Đức cho rằng kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư là "bước đi quan trọng đầu tiên" và sẵn sàng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu về người tị nạn, sau cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ và trước thềm cuộc họp thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào 14/10 tới.

Thêm nhiều nước ngoài châu Âu cũng thông báo tiếp nhận người di cư Syria để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 9/9 cho biết Mỹ sẽ tăng tiếp nhận người tị nạn lên ít nhất 5.000 người vào năm tới.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, Mỹ tiếp nhận 1.500 người tị nạn với hơn 300 người dự kiến đến vào tháng 10. Ông Kery cam kết Mỹ sẽ chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà châu Âu đang phải đối mặt: “Tôi đã có cuộc gặp các nghị sĩ Mỹ. Chúng tôi cam kết tăng tiếp nhận số lượng người tị nạn. Mỹ đang xem xét số lượng cụ thể để có thể tiếp nhận người di cư, dựa trên tình hình cuộc khủng hoảng Syria và châu Âu”.

Australia cho biết sẽ tiếp nhận thêm 12.000 người. Một số nước Nam Mỹ cũng nhất trí giúp tiếp nhận người di cư.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời cho biết Ai Cập đang tiếp nhận khoảng 5 triệu người tị nạn từ các nước Arab và châu Phi.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg ngày 9/9 cũng đề xuất tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ để giúp đỡ những người sơ tán Syria./.