Lấy cảm hứng về thành công ban đầu của Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sỹ) hôm 16/6 vừa qua, trên nền tảng đối thoại và ngoại giao, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất EU họp thượng đỉnh với Nga. Theo Thủ tướng Đức, châu Âu cần thay đổi hướng đi trong hợp tác với Nga để từng bước cải thiện quan hệ. Cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga là minh chứng cho thấy, xung đột hoàn toàn có thể giải quyết được nếu các bên có thể “ngồi lại” với nhau. Đề xuất này của Đức nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Pháp.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đối thoại với Nga là yếu tố cần thiết duy trì sự ổn định của lục địa châu Âu: “Chúng tôi ủng hộ ý tưởng đối thoại với Nga để bảo vệ các lợi ích của châu Âu. Chúng tôi xác định, châu Âu cần thống nhất đối thoại với Nga. Đây là yếu tố cần thiết cho sự ổn định của lục địa châu Âu và cũng là yêu cầu cấp thiết”.

Tuy nhiên, đề xuất và ý tưởng của Đức và Pháp đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu - đặc biệt là các nước ở Đông Âu. Đại diện các nước này cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh khi có vấn đề tích cực để thảo luận. Nhiều ý kiến cũng yêu cầu làm rõ về định dạng cho cuộc đối thoại này, ví dụ như cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại và các cơ quan thuộc EU sẽ đóng vai trò gì. Gay gắt hơn, quyền Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte còn tuyên bố sẽ không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nga-EU nếu sự kiện này diễn ra.

Phát biểu trước báo giới Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nhấn mạnh: “Đối thoại với Nga là một chủ đề rất quan trọng. Tuy nhiên tôi cho rằng, chúng ta cần thận trọng khi đối thoại với nước này. Cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi của Nga. Nếu không có sự thay đổi, chúng ta đã vội vàng đối thoại sẽ gửi đi một tín hiệu xấu và không chắc chắn tới các đối tác khác. Chúng ta nên tôn trọng các nguyên tắc cơ bản mà ở đó hình thành nên nền tảng của khối”. Bất đồng giữa giữa các nước thành viên EU đã khiến Liên minh châu Âu không đạt được thỏa thuận về tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Nga trong lần họp này. 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Merkel nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận về việc giải quyết mối quan hệ với Nga. Đây là cuộc thảo luận mang tính chi tiết về không hề dễ dàng. Chúng tôi cần phải xác định lại các điều kiện tiên quyết mà trên cơ sở đó chúng tôi có thể giao tiếp và hợp tác với Nga. Hiện tại chúng tôi đang tìm kiếm định dạng đối thoại với Nga, trên cơ sở đó để các bên đối thoại. Trong cuộc họp ngày 24/6, các bên chưa thể đi đến thống nhất về vấn đề. Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta vẫn nên duy trì và triển khai trên định dạng này”.

Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 24 và 25/6. Ngoài đối thoại với Nga, các nhà lãnh đạo khối này cũng thảo luận về tình hình đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế sau đại dịch, thỏa thuận giải quyết tình hình người di cư với Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng về thỏa thuận giải quyết tình hình người di cư với Thổ Nhĩ Kỳ, tại hội nghị này, EU nhất trí sẽ cung cấp khoản hỗ trợ tài chính 3 tỷ euro, tương đương hơn 3,6 tỷ USD để Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ châu Âu ngăn chặn dòng người di cư./.