Ngoại trưởng các nước thuộc Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vừa nhóm họp bất thường tại thành phố Abidjan của Cote Di’voice, nhằm thảo luận lộ trình can thiệt khẩn cấp vào tình hình Mali.

Chủ tịch Hội đồng ECOWAS Kadre Ouedraogo cho biết: Chúng ta cần hành động khẩn cấp để chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố. Và chúng ta phải cân nhắc các điều kiện để can thiệp vào Mali theo nghị quyết 2085 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ)”.

linh-phap.jpg
Lính Pháp đang có mặt ở Mali (Ảnh: Reuters)

Pháp dự định triển khai khoảng 2.500 binh sĩ tới Mali. Tuy nhiên, Pháp muốn chuyển nhiệm vụ đứng đầu sứ mệnh can thiệp ở Mali cho ECOWAS. Từ ngày 17/1, nhóm binh sĩ đầu tiên của các nước Tây Phi là Togo và Nigeria đã tới thủ đô Bamako của Mali. Dù vậy, ECOWAS đang bị chỉ trích là hành động chậm trễ khi để bạo lực ở miền Bắc Mali bùng phát.

Theo các chuyên gia quân sự, lực lượng Mali với sự hỗ trợ của Pháp và các nước Tây Phi sẽ triển khai mạnh mẽ các cuộc không kích để giành quyền kiểm soát các khu vực trọng yếu, nhằm ngăn chặn phiến quân rút tới vùng sa mạc và tổ chức lại lực lượng.

Trong khi tình hình tại Mali đang diễn biến khó lường thì Cao Ủy LHQ về người tỵ nạn ngày 18/1 cho biết, có hơn 2.740 người Mali sơ tán tới các nước láng giềng trong tuần trước, để tránh bạo lực bùng phát ở miền Bắc nước này. Con số này, nâng tổng số người tỵ nạn Mali ở nước ngoài lên 147.000 người kể từ khi khủng hoảng chính trị nổ ra tại nước này năm ngoái.

Người phát ngôn Cao Ủy LHQ về người tỵ nạn Martin Nesirky cho biết, tại Mali số người bị mất nhà cửa do giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng phiến quân Hồi giáo cũng lên tới 230.000 người. Theo Cao Ủy LHQ về người tỵ nạn, các nhóm nhân đạo của cơ quan này đã tiếp cận khu vực miền Bắc Mali để hỗ trợ cho những người mất nhà cửa, bên cạnh đó, những người Mali tỵ nạn ở nước ngoài cũng đang nhận được hỗ trợ cần thiết../.