Giấy phép sử dụng khẩn cấp được đưa ra 2 ngày trước khi việc tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai tại Indonesia. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo cùng các Bộ trưởng trong Nội các của ông sẽ là người tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên vào ngày 13/1. Sau đó vào ngày 14-15/1, Indonesia sẽ tiêm chủng miễn phí cho toàn dân, ưu tiên nhân viên y tế và người cao tuổi trên cả nước.  

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Viện nghiên cứu Bandung, Indonesia, vaccine Covid-19 của Sinovac được ghi nhận đem lại hiệu quả 65,3%, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ-vừa và có thể hồi phục. Trước đó, Hội đồng Hồi giáo Ulama Indonesia cũng đã chứng nhận vaccine của Sinovac là “halal” và được phép sử dụng cho người Hồi giáo.

Hiện nay, Indonesia đã nhận được 3 triệu liều vaccine Covid-19 ở dạng thành phẩm và đã được phân phối đến tất cả các tỉnh ở Indonesia. Trong khi đó, công ty dược phẩm Bio Farma của Indonesia cũng lập tức bắt tay bào chế vaccine Covid-19 sau khi nhận được 15 triệu liều vaccine thô từ Trung Quốc vào ngày 12/1. Dự kiến đến tháng 2/2021, Indonesia sẽ có thêm 12-15 triệu liều vaccine Sinovac tự bào chế.

Chính phủ Indonesia đã ký kết hợp đồng mua hơn 400 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nhà cung cấp quốc tế. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu người (khoảng 80%) dân số cho đến tháng 4/2022 để đạt miễn dịch cộng đồng./.