Đức đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nhiên liệu trong bối cảnh dòng chảy năng lượng từ Nga giảm dần.

Bộ Trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga là một “đòn tấn công kinh tế” đối với Moscow.

“Chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình trước điều này. Tuy nhiên, đất nước của chúng tôi bây giờ sẽ phải trải qua một con đường đầy chông gai”, ông Habeck nói.

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp mới được đưa ra vào tuần trước sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đề nghị giảm 60% nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Đức. Trong khi Đức gọi quyết định của Gazprom “mang tính chính trị”, Nga giải thích rằng: “Đơn giản là không có gì để bơm khí đốt. Đây là một cuộc khủng hoảng do EU tạo ra. Chúng tôi có khí đốt. Khí đốt sẵn sàng để giao, nhưng châu Âu phải trả lại phần cứng và sửa chữa phần cứng theo đúng cam kết của họ”.

Cơ quan quản lý mạng lưới phân phối khí đốt của Đức Bundesnetzagentur cho biết sẽ làm việc để giảm mức tiêu thụ khí đốt của các nhà sản xuất để đối phó với tình huống khẩn cấp đang diễn ra.

Bundesnetzagentur bày tỏ quan ngại về vấn đề nguồn cung khí đốt giảm sẽ kéo dài qua cả mùa đông năm nay. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng lớn nhất của Đức, Markus Krebber, lo ngại về một viễn cảnh tồi tệ hơn. “Hiện tại, chúng ta không có bất kỳ kế hoạch ở cấp châu Âu để phân phối lại khí đốt nếu Đức bị cắt hoàn toàn nguồn cung từ Nga”, ông Krebber nói.

Hiện tại, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã lấp đầy 58% công suất, nước này cho biết khi kích hoạt “giai đoạn báo động”. Đức đặt mục tiêu sẽ lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt vào tháng 12.

Giai đoạn thứ hai của các biện pháp khẩn cấp sẽ cho phép các công ty điện nước chuyển chi phí khí đốt sang người tiêu dùng. Theo RT, nếu giai đoạn thứ ba của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt được kích hoạt, Đức sẽ áp dụng chế độ phân bổ khí đốt./.