“Tôi có thể xác nhận rằng các hệ thống chiến đấu chính vẫn cần thiết đối với Bundeswehr (Quân đội Đức) để thực hiện các nhiệm vụ của họ. Không có kế hoạch nào được xem xét liên quan tới việc gửi vũ khí hạng nặng từ kho dự trữ của Bundeswehr cho Ukraine”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho hay.

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Đức nhấn mạnh, các lực lượng vũ trang nước này cần tất cả xe chiến đấu bộ binh Marder để tuân thủ các nghĩa vụ của Berlin trong khuôn khổ NATO và duy trì an ninh quốc gia. Marder nằm trong danh sách các khí tài quân sự mà Ukraine muốn có.

Trong cuộc họp qua video với các nhà lãnh đạo phương Tây ngày 19/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng các loại vũ khí có thể gửi cho Ukraine trong kho dự trữ riêng của quân đội Đức đã cạn kiệt, nhưng Kiev có thể mua phần cứng từ các nhà sản xuất vũ khí của Đức.

Ông Scholz cũng nói rằng, Đức đã cung cấp vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của nước này, nhưng nguồn vũ khí này cũng hạn chế.

Trước đó, Mỹ, Anh và Canada cam kết hỗ trợ thêm pháo cho Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang giai đoạn mới. Đặc biệt, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cam kết sẽ gửi pháo hạng nặng cho Ukraine nhưng chưa cung cấp thông tin chi tiết.

Ngày 26/2, Chính phủ Đức đã chấp thuận việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, quyết định gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 hệ thống phòng không di động Stinger cho Ukraine. Đức cũng cho phép Hà Lan và Estonia gửi các vũ khí do Đức sản xuất đã lỗi thời cho Ukraine.

Ngoài các vũ khí kể trên, Đức cũng đã gửi lô tên lửa Strela từ thời Liên Xô, 100 súng máy MG3 cùng đạn dược cho Ukraine.

Rheinmetall, một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức, ngày 11/4 cho biết công ty này sẵn sàng gửi gửi khoảng 50 chiếc xe tăng Leopard-1 đã loại biên tới Ukraine trong những tuần tới. Tuy nhiên, thỏa thuận nay cần phải được chính phủ Đức phê duyệt./.