Đây là dấu hiệu về một đợt sóng gió mới mà Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel sẽ phải đương đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.         

Ngày 9/1, đụng độ đã xảy ra tại cuộc tuần hành của phong trào chống đạo Hồi Pediga ở thành phố Cologne của Đức khiến lực lượng cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quá khích.

merkel_sdqz.jpg
Thủ tướng Đức Merkel cam kết sẽ mạnh tay với những kẻ gây rối trong đêm Giao thừa tại Cologne. Ảnh AFP

Khoảng 1.500 người biểu tình mang theo các biểu ngữ phản đối chính sách tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và kêu gọi Bà từ chức, sau các vụ tấn công, quấy rối và cưỡng bức tại Cologne. Đã có tới 379 trường hợp, trong đó có khoảng 40% trình báo bị quấy rối tình dục. Theo cảnh sát, phần lớn các đối tượng gây rối đến từ các nước Bắc Phi.

Biểu tình biến thành đụng độ vào chiều 9/1 (theo giờ địa phương) khi những người quá kích ném pháo hoa và chai lọ vào cảnh sát. Trong khi đó, một cuộc tuần hành khác của lực lượng phản đối phong trao Pediga cũng diễn ra đồng thời tại Cologne.

Hàng trăm cảnh sát liên bang cùng khoảng 1.700 cảnh sát bang North Rhine-Westphalia của Đức với các xe chuyên dụng đã được triển khai để tách hai đoàn biểu tình cũng như có mặt rất đông tại khu vực Nhà ga trung tâm thành phố nơi xảy ra các vụ cướp bóc và quấy rối nghiêm trọng.

Người phát ngôn cảnh sát Cologne Frank Scheulen cho biết: “Cảnh sát đã nhiều lần yêu cầu người biểu tình chấm dứt hành động ném chai lọ và pháo hoa, tuy nhiên việc này đã không dừng lại.

Cảnh sát đã phải có hành động để giải tán biểu tình. Việc sử dụng vòi rồng đã được thông qua. Những người biểu tình đã trở lại khu nhà ga trung tâm, sau đó giải tán và trở về nhà”.

Diễn biến biểu tình tại Cologne gây thêm sức ép với Chính phủ của Thủ tướng Merkel, cũng như chính sách mở cửa với người tị nạn của Bà. Trong một tuyên bố trấn an tình hình, bà Merkel ngày 9/1 cho biết, những người nhập cư được xác định tham gia các hành vi phạm tội tại Cologne có thể mất quyền xin tị nạn tại Đức và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thủ tướng Merkel cũng cam kết sẽ giảm dòng người tị nạn khổng lồ đang tiếp tục đổ tới châu Âu và nước này./.