Đại biểu đảng Dân chủ-tự do Nga Sergei Ivanov đệ trình lên Duma Quốc gia Nga một dự thảo luật "Về yêu sách lãnh thổ đối với Liên bang Nga của Nhật Bản", cấm chuyển giao quần đảo Kuril.

abe_putin_ibqd.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Trong dự luật nêu rõ: “Quần đảo Kuril thuộc Liên bang Nga theo kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai trên cơ sở Tuyên bố Cairo ngày 1/12/1943, Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945, hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, được ký tại San Francisco vào ngày 8/9/1951. Các văn bản pháp lý có các quy định về việc loại trừ lãnh thổ của Quần đảo Kuril không phải là đối tượng phê chuẩn, công bố, ban hành và áp dụng”.

Trong các tài liệu kèm theo, tác giả dự luật chỉ ra rằng, sáng kiến đã được đệ trình lên Duma quốc gia Nga để xem xét liên quan đến việc Quốc hội Nhật Bản vào giữa tháng 7 năm ngoái đã thông qua sửa đổi luật "Về các biện pháp đặc biệt nhằm tăng tốc giải quyết vấn đề lãnh thổ phương Bắc", trong đó quyền đề ra nhiệm vụ là nỗ lực để lấy lại 4 đảo thuộc quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc).

Trong nhiều thập kỷ, Nga và Nhật bản đã tham vấn để đạt được một hiệp ước hòa bình theo kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Trở ngại chính cho vấn đề này là quyền sở hữu phần phía nam của quần đảo Kuril. Sau khi kết thúc chiến tranh, toàn bộ quần đảo được sáp nhập vào Liên Xô, nhưng Tokyo tranh chấp quyền sở hữu các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và một nhóm đảo nhỏ không có người ở mà Nhật Bản gọi là Habomai.
Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Moscow đối với các đảo này, có văn bản pháp lý quốc tế phù hợp, không thể nghi ngờ.

Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, Nga và Nhật Bản đang tìm kiếm một thỏa hiệp không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của cả hai nước. Điều này không đề cập về việc chuyển giao tự động một vùng lãnh thổ nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lưu ý đến một số nội dung của Tuyên bố năm 1956, được ký giữa Liên Xô và Nhật Bản về chấm dứt chiến tranh giữa hai quốc gia, khôi phục quan hệ ngoại giao và lãnh sự. Đặc biệt, trong đó không chỉ ra cơ sở cho việc chuyển giao các đảo, cũng như các đảo sẽ thuộc chủ quyền của ai. Theo nhà lãnh đạo Nga, liên quan đến vấn đề này, các cuộc đàm phán trên cơ sở Tuyên bố chung "đòi hỏi phải nghiên cứu nghiêm túc".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ thăm Nga vào nửa cuối tháng 1. Trước đó, vào ngày 14/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sẽ đến Moscow./.