Dư luận Mỹ Latin bày tỏ tiếc thương

Ngay sau khi thông tin được thông báo bởi Chủ tịch Raul Castro trên truyền hình quốc gia Cuba, lãnh đạo nhiều nước, trong đó có các nước châu Mỹ Latin đã sử dụng các trang mạng xã hội để tỏ lòng thường tiếc.

Tổng thống Ấn độ Pranab Mukherjee đã chia buồn về sự ra đi của Fidel Castro, lãnh đạo cách mạng, cựu Chủ tịch Cuba và một người bạn của Ấn độ. Còn Thủ tướng Nadendra Modi gọi Fiden là một trong những biểu tượng lớn nhất của thế kỷ 20 và Ấn độ để tang một người bạn.

Tổng thống Srilanka Maithripala Sirisena viết trên Twitter rằng lãnh đạo biểu tượng của một thời đại cách mạng đã từ trần. Xin hãy yên nghỉ, Tổng tư lệnh Fidel Castro.

800_rmtb.jpeg
Nhà lãnh tụ Cuba - Fidel Castro qua đời ở tuổi 90. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto viết Fidel Castro là một người bạn của Mexico, người tạo động lực cho quan hệ song phương dựa trên sự tôn trong, đối thoại và đoàn kết giữa hai nước.

Tổng thống Venezuala Nicolas Maduro viết: “Tôi vừa mới nói chuyện với Chủ tịch Raul Castro để chuyển tới sự đoàn kết và tình yêu đối với nhân dân Cuba trước sự ra đi của Tổng tư lệnh Fidel Castro”.

Fidel và Tổng thống Chávez đã xây dựng Liên minh Bolivar vì nhân dân châu Mỹ chúng ta (ALBA), Liên minh dầu khí của các nước Caribe với Venezuela, và mở đường cho công cuộc giải phóng đất nước của chúng ta.

Tổng thống Salvador, Salvador Sánchez Cerén, bày tỏ sự đoàn kết và chia buồn với chính phủ và nhân dân anh em Cuba và viết rằng Fidel sẽ sống mãi trong trái tim của các dân tộc đoàn kết, những người đấu tranh vì công lý, danh dự, và tình bằng hữu.

Nhiều trang tin tức Mỹ cũng ngay lập tức đưa tin về sự ra đi của cựu chủ tịch Fidel Castro, thông tin về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

Quan điểm của dư luận Pháp

Các tờ báo lớn nhất của Pháp đều có loạt bài sâu về chân dung lãnh tụ vừa qua đời của Cuba, Fidel Castro. Tổng thống Pháp và nhiều lãnh đạo Pháp và châu Âu đều bày tỏ tiếc nuối trước sự ra đi của vị lãnh tụ vĩ đại của Cuba.

Tờ Thế giới (Le Monde), tờ báo uy tín hàng đầu của Pháp, chạy một loạt hơn 10 bài về Chủ tịch Fidel Castro, từ các bài phân tích của các chuyên gia về Cuba, đến loạt ảnh tư liệu, video, cũng như ảnh hưởng của chủ nghĩa Castro đối với châu Mỹ la tinh.

Trong bài báo có tựa đề “Fidel Castro, cha đẻ không khoan nhượng của cách mạng Cuba, qua đời ở tuổi 90”, Le Monde đăng lại bài chân dung nổi tiếng viết về Fidel Castro của Marcel Niedergang, một nhà báo lớn của Le Monde chuyên trách Mỹ La tinh đã qua đời nhiều năm trước.

Bài báo mô tả Fidel Castro là người quan tâm đến mọi chi tiết trong cả đời thực lẫn đời sống chính trị và luôn không ngần ngại bày tỏ một cách công khai niềm đam mê, sự tò mò trước mọi người, dù quan khách quốc tế hay những người thân cận.

Một bức ảnh thời trẻ của nhà lãnh tụ Fidel Castro.

Các chính trị gia Pháp cũng lập tức lên tiếng. Tổng thống Pháp, Francois Hollande tuyên bố: “Fidel Castro là một gương mặt của thế kỷ 20. Ông là đại diện cho cách mạng Cuba và đại diện cho những người dân Cuba ở niềm tự hào chối bỏ sự áp đặt từ bên ngoài”.

Tổng thống Pháp cũng nhắc lại rằng nước Pháp đã luôn phản đối lệnh cấm vận mà Mỹ áp lên Cuba trong quá khứ và hoan nghênh sự mở cửa đối thoại của Cuba trong thời gian qua.

Tháng 5/2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande trở thành nguyên thủ Pháp đầu tiên đến thăm Cuba kể từ sau cách mạng ở đảo quốc này. Ông Hollande cũng đã có cuộc gặp Chủ tịch Fidel Castro tại La Havana. Chuyến đi này của Tổng thống Pháp được xem là một trong những bước đi lớn trong việc tạo dựng quan hệ đối thoại hợp tác giữa Cuba với các nước phương Tây trước thời điểm Mỹ bỏ cấm vận Cuba.

Ngoài Tổng thống Francois Hollande, các chính trị gia khác của Pháp cũng đã có phát biểu bày tỏ tình cảm trước sự ra đi của lãnh tụ Cuba. Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, Pierre Laurent nhận định: “Fidel Castro sẽ mãi ghi dấu trong lịch sử như là một trong những nhà lãnh đạo của các phong trào vì sự tiến bộ của nhân loại”.

Ông Pierre Laurent cũng nhận xét rằng “Cuộc cách mạng mà Fidel Castro đã tiến hành diễn ra trong thời kỳ phi thực dân hoá và trong các phong trào tái lập lại quyền tự quyết của các dân tộc. Đó là điều sẽ lưu lại trong lịch sử”.

Jean Luc Melenchon, lãnh đạo Mặt trận cánh tả, thì kêu gọi mọi người đặt nến và hoa tưởng niệm Fidel Castro tại chân tượng đài Simon Bolivar tại thủ đô Paris vào chiều 26/11.

Cựu Bộ trưởng Văn hoá Pháp thuộc đảng Xã hội, Jack Lang, viết: “Fidel Castro là một người khổng lồ trên trường quốc tế. Trong con mắt những người tranh đấu ở thế hệ của tôi, ông ấy đại diện cho tinh thần phản kháng chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và cho ý nguyện xây dựng, thông qua cách mạng, một xã hội công bằng hơn”./.