Thủ tướng Australia Scott Morriso hôm nay (16/10) bất ngờ thông báo sẽ xem xét việc công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel và dự định sẽ chuyển Đại sứ quán của nước này từ Tel Aviv đến đó.

bp_morrison_240818_96_thdq_ebht.jpg
Thủ tướng Australia Scott Morriso. Ảnh: AFP.

Ý định của nhà lãnh đạo Australia ngay lập tức vấp phải sự quan ngại và phản đối từ các nước Arab, Hồi giáo và Trung Đông. Với riêng Palestine, Australia đang mạo hiểm khi chống lại phần còn lại của thế giới khi vi phạm các quy tắc và Nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Sáng 16/10, Thủ tướng Australia Scott Morriso cho biết, nước này đang xem xét việc thừa nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp việc tôn trọng giải pháp 2 nhà nước đối với tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.

Theo Thủ tướng Australia, đây cũng là một giải pháp “tiềm năng”: “Vấn đề qui chế của Jerusalem luôn được coi là nhạy cảm trong các cuộc tranh luận. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải đương đầu và giải quyết nó. Người Australia rất thẳng thắn và tôi nghĩ Australia cần phải thể hiện rằng, nên đề cập đến những cách khác để đạt được mục tiêu (xác định qui chế rõ ràng về Jerusalem). Vì thực tế có những cách khác giúp chúng ta đạt được mục tiêu một cách nhanh và hiệu quả nhất”.

Theo sau ý định công nhận, Thủ tướng Australia cho biết nước này cũng có thể sẽ chuyển Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem- điều mà Mỹ từng làm và đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hầu hết các nước trên thế giới. Phản ứng trước vụ việc, Ngoại trưởng Palestine Riyad al Maliki lập tức lên tiếng bày tỏ sự thất vọng đối với ý định của Australia, cho rằng quốc gia này đang theo chân Mỹ vi phạm các quy chuẩn quốc tế và Nghị quyết 478 năm 1980 của Liên Hợp Quốc.

“Bằng cách suy nghĩ như vậy, Australia đang mạo hiểm mối quan hệ thương mại và kinh doanh của nước này với phần còn lại của thế giới, các quốc gia Arab và Hồi giáo. Tôi hy vọng Australia sẽ xem xét lại quan điểm của mình trước khi thực hiện một hành động như vậy”.

Còn Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi– Quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, vốn luôn coi thánh địa linh thiêng Jerusalem phải thuộc về phía người  Palestine cho biết: “Australia nên tôn trọng tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel với giải pháp 2 nhà nước. Australia không nên có bất kỳ hành động nào có thể đe dọa hòa bình và an ninh của thế giới”.

Indonesia cũng cảnh báo có thể xem xét đình chỉ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà nước này vừa ký với Australia, để phản đối quan điểm này của Canberra đối với vấn đề Jerusalem. Là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Australia, với tổng giá trị đầu tư đạt gần 12 tỷ AUD trong năm 2017, Indonesia đã ký FTA với Australia đầu tháng 9/2018 sau nhiều năm đàm phán trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Morrison tới Jakarta ngay khi lên nắm quyền. Trước phản ứng mạnh mẽ này, Đại sứ Australia tại Indonesia đang tìm cách để gặp khẩn cấp giới chức trách quốc gia Đông Nam Á để làm rõ vấn đề.

Cùng ngày, Đại sứ 13 nước Arab tại Australia cũng đã có cuộc gặp tại thủ đô Canberra. Theo Đại sứ Ai Cập tại Australia Mohamed Khairat, các nước đều bày tỏ lo ngại việc Australia cân nhắc chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel tới Jerusalem có thể hủy hoại triển vọng hòa bình Trung Đông. Đại sứ Ai Cập cho biết, các nước đã nhất trí gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Australia, bày tỏ lo ngại của các nước Arab về những tuyên bố như vậy. Ông Mohamed Khairat nhấn mạnh, bất cứ quyết định nào như vậy cũng sẽ hủy hoại tiến trình hòa bình, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Australia với không chỉ các nước Arab mà còn nhiều quốc gia Hồi giáo khác.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định, ý định của Australia về Jerusalem không giúp ích gì cho tiến trình đàm phán hòa bình tại khu vực. New Zealand khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước và sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào về đại diện tại khu vực./.