Việc Thủ tướng Morrision tới Indonesia trong bối cảnh nội bộ vẫn chưa êm thấm sau khi chính quyền mới được thành lập cho thấy Indonesia có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Australia.

scott_morrison_oshw.jpg
Thủ tướng Australia Scott Morrision. (Ảnh: ABC News)

Chưa đầy 1 tuần sau khi lên nhậm chức, khi công việc của chính quyền mới vẫn còn đang rất bề bộn song tân Thủ tướng Australia Scott Morrision vẫn quyết tâm thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Indonesia, quốc gia láng giềng và là đối tác chiến lược rất quan trọng trong nhiều khía cạnh của Australia.

Lợi ích kinh tế

Mục tiêu chính của chuyến thăm lần này là tuyên bố hai bên kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 8 năm về Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện Australia - Indonesia.

Hiện tại, cả Australia và Indonesia đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Theo số liệu thống kê của Quỹ tiện quốc tế, kim ngạch thương mại hai chiều đạt được 8,5 tỷ AUD trong năm 2017. Australia hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ 14 của Indonesia và Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Australia.

Phát biểu trước khi bắt đầu chuyến thăm, Thủ tướng Australia Morrision khẳng định: “Bằng việc chọn Indonesia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài trên cương vị Thủ tướng tôi đã chuyển thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước cũng như cam kết của chính quyền Australia trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh và kinh tế với Indonesia”.

Việc kết thúc cuộc đàm phán Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện Australia - Indonesia (CEPA) có ý nghĩa quan trọng khi nó mở rộng hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa Australia sang Indonesia.

Ông Andrew Weidemann, một nông dân trồng ngũ cốc tại bang Tây Australia cho biết: “Đây là một trong nhưng thỏa thuận thương mại có ý nghĩa nhất với nông dân trồng lúa mì trong những năm gần đây trong bối cảnh ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lúa mì trên thế giới”.

Với các ngành nông nghiệp khác, sau khi thỏa thuận này được thực thi, việc xuất khẩu các mặt hàng như gia súc, đường, bia, cotton, năm mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Australia sang Indonesia được cho là cũng sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Về đầu tư, thỏa thuận này cũng mở cánh cửa rộng cho các trường đại học của Australia khi cho phép các nhà đầu tư xứ sở chuột túi có thể sở hữu tới 67% cổ phần trong một trường đại học của Indonesia.

Trong bối cảnh Indonesia không cho nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ phần đa số cổ phần của trường đại học tại nước này thì đây rõ ràng là một sự ưu ái lớn và rất thuận lợi đối với các trường đại học của Australia.

Bước đi chính trị khôn ngoan

Không chỉ mở ra cơ hội thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa cũng như đầu tư của Australia ra nước ngoài bằng việc đạt được thỏa thuận với Indonesia, chuyến đi của Thủ tướng Morrision còn là bước đi chính trị đầy khôn ngoan.

Trong bối cảnh uy tín của đảng Tự do đang sụt giảm nghiêm trọng do cuộc đấu tranh nội bộ dẫn đến việc thay đổi chính phủ vào tuần trước, chuyến thăm Indonesia của tân Thủ tướng Morrision sẽ chuyển sự chú ý của dư luận vào nhiều cơ hội hợp tác kinh tế đầy hứa hẹn giữa Australia với Indonesia.

Việc kết thúc đàm phán với Australia cũng làm gia tăng uy tín chính trị và tạo dấu ấn cá nhân của Thủ tướng cũng như chính phủ của ông. Thành công trong thúc đẩy quan hệ với nước láng giềng Indonesia để mang về những hợp đồng kinh tế cũng là cách để Thủ tướng Morrision lấy lòng người dân, qua đó giành thêm sự ủng hộ và phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Theo lịch trình, vào cuối ngày 30/8, Thủ tướng Scott Morrision sẽ rời Australia và đến Indonesia vào sáng 31/8. Theo truyền thông Australia, trong chuyến đi này, Thủ tướng Morrision sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Phủ Tổng thống và hai nhà lãnh đạo sẽ ký thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện cũng như chứng kiến nhiều lễ ký kết các hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực giaio thông vận tải, kinh tế sáng tạo và công nghệ thông tin. Trong khi đang ở thăm Indonesia, Tổng thống Morrision cũng sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước./.