Thận trọng và không vội vã công nhận chính phủ mới là phản ứng chung của hầu hết các quốc gia trước những diễn biến mới nhất tại quốc gia Nam Á này.

Chính phủ Mỹ chưa vội công nhận chính phủ lâm thời do Taliban mới thành lập ở Afghanistan, đây là khẳng định của người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki về việc Taliban công bố thành phần chính phủ mới. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về “ những liên kết và hồ sơ” của một số nhân vật được nêu tên trong chính phủ mới của Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ kỳ vọng chính phủ mới của Afghanistan cần phải đảm bảo quốc gia Nam Á này không phải là cơ sở để đe dọa an ninh của bất cứ quốc gia nào khác, đồng thời bày tỏ có thể tiếp cận nhân đạo để hỗ trợ người dân Afghanistan.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết, Ban Thư ký Liên Hợp Quốc và Liên Hợp Quốc không tham gia vào các hành động công nhận các chính phủ. Đây là vấn đề do chính phủ các quốc gia thành viên thực hiện. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh kỳ vọng vào chính phủ mới tại Afghanistan.

"Liên quan đến thông báo của Taliban thành lập chính phủ mới, một giải pháp thông qua đàm phán và toàn diện sẽ mang lại hòa bình bền vững cho Afghanistan. Liên Hợp Quốc vẫn cam kết đóng góp vào một giải pháp hòa bình, thúc đẩy quyền con người của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy phát triển bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ người dân Afghanistan gặp khó khăn”, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có phản ứng một cách thận trọng sau khi Taliban công bố thành phần nội các. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh không biết nội các lâm thời này sẽ tồn tại bao lâu và nước này đang theo dõi tiến trình này một cách cẩn trọng. Cũng trong ngày hôm qua (7/9), Nga tuyên bố chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc công nhận chính phủ Taliban và sẽ theo dõi “rất chặt chẽ” tình hình ở Afghanistan. 

Thận trọng và chưa vội vàng công nhận chính phủ mới là cách nhiều quốc gia đang thực hiện trước những diễn biến mới tại Afghanistan. Cách Taliban tôn trọng các cam kết quốc tế, tôn trọng các quy tắc cơ bản của dân chủ và pháp quyền, với ranh giới lớn nhất là tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ - đang là những điều kiện tiên quyết mà nhiều nước đặt ra để Taliban có sự ủng hộ.

Giám đốc điều hành châu Á- Thái Bình Dương của Ủy ban châu Âu Gunnar Wiegand nhấn mạnh: “Chắc chắn các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và G7 đều khẳng định sự cần thiết phải hợp tác với Taliban, thảo luận với Taliban và tác động đến Taliban, tận dụng các đòn bẩy sẵn có. Tuy nhiên Liên minh châu Âu không vội vàng công nhận Taliban là chính quyền mới tại Afghanistan, cũng như không thiết lập quan hệ chính thức. Cần phải có một kế hoạch nghiêm ngặt, có điều kiện liên quan đến việc thực thi cam kết của Taliban để cho phép những người Afghanistan muốn sơ tán an toàn và không trả đũa chống lại những người hợp tác với nước ngoài hoặc chính phủ cũ".

Những vị trí quan trọng trong Nội các đều là các thành viên Taliban, có quan hệ mật thiết với người sáng lập Taliban - Muhammad Omar. Bước đi này cho thấy Taliban muốn khẳng định sự thống trị về mặt chính trị và quân sự ở Afghanistan, nhưng có thể làm phức tạp những cam kết của lực lượng này nhằm khởi động lại nền kinh tế của đất nước.

Mỹ, quốc gia kiểm soát hàng tỷ USD dự trữ bị đóng băng của Afghanistan bày tỏ ủng hộ một chính phủ đa thành phần. Người phát ngôn Taliban - Zabihullah Mujahid bảo vệ Nội các mới, khẳng định đây là một chính phủ toàn diện, đã có sự tham vấn sâu rộng trên khắp đất nước và những người được lựa chọn dựa trên tiêu chí "đã chiến đấu hết mình và hy sinh nhiều nhất cho tự do"./.