Ngày 23/6, Tòa án Ai Cập tiếp tục tuyên án đối với các thành viên và những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo với cáo buộc kích động bạo lực, giết người và truyền bá thông tin sai sự thật. Trong số những bị cáo này có 3 nhà báo hiện đang làm việc cho kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera của Qatar. Động thái này của Ai Cập đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Dư luận cho rằng phán quyết này đi ngược lại những cam kết của chính phủ Ai Cập về một đất nước phát triển hơn. 

nha-bao_isum.jpg 

Ba nhà báo của Al-Jazeera bị nhà chức trách Ai Cập bắt giữ (Ảnh: Reuters)

Ba nhà báo của Al-Jazeera bị cáo buộc hỗ trợ “một tổ chức khủng bố”, cụm từ thường được chính quyền Ai Cập dùng để chỉ trích Tổ chức Anh em Hồi giáo. Trong đó có một nhà báo người Australia, ông Peter Greste, một nhà báo người Canada gốc Ai Cập và nhà sản xuất địa phương Baher Mohamed. Ngoài mức án 7 năm tù với tội danh nói trên, Baher Mohamed còn bị tuyên phạt thêm 3 năm tù và buộc phải nộp phạt 5.000 bảng Ai Cập (gần 700 USD) với tội danh sở hữu vũ khí trái phép.

Kênh Al-Jazeera đã ngay lập tức lên tiếng phản đối việc tòa án Ai Cập kết án các phóng viên của báo này. Giám đốc điều hành kênh Al-Jazeera phiên bản tiếng Anh, ông Al Anstey cho rằng phán quyết của tòa án Ai Cập là không hợp lý và không công bằng, đồng thời nhấn mạnh, phán quyết này cần phải được đảo ngược ngay lập tức để đảm bảo công lý.

Những động thái này của Ai Cập không những gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ai Cập và Qatar, quốc gia vốn ủng hộ và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Phong trào Anh em Hồi giáo, mà còn vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay cảnh báo, uy tín của Chính phủ Ai Cập và đặc biệt là uy tín của ngành tư pháp nước này, vốn được biết đến như một thể chế độc lập, đang bị đe dọa.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết: “Tổng thư ký quan ngại sâu sắc về những quyết định gần đây của tòa án Ai Cập, đặc biệt là tuyên án tử hình 183 người và kết án một số nhà báo, trong đó có các nhà báo của kênh truyền hình Al-Jazeera. Tiến trình xét xử không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản và công bằng và nó có thể làm suy yếu những triển vọng về một sự ổn định lâu dài tại Ai Cập”.

Bộ Ngoại giao Anh, Hà Lan và Australia đã triệu Đại sứ Ai Cập tới để phản đối phán quyết trên. Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, Ai Cập đã thực hiện một bước đi sai lầm và ông hi vọng chính phủ Ai Cập sẽ xem xét lại quyết định này.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Australia Tony Abbott nói: “Những gì chúng tôi muốn làm là nói chuyện một cách bình tĩnh, kiên nhẫn và hợp lý với chính phủ Ai Cập. Chúng tôi mong muốn những lợi ích lâu dài cho Ai Cập cũng như những gì tốt nhất cho các nhà báo”.

Tuy nhiên, chính quyền Ai Cập đã gọi những chỉ trích trên là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, nước này bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào từ chính phủ các nước bên ngoài nghi ngờ về tính độc lập của hệ thống tư pháp Ai Cập cũng như tính công bằng của các phán quyết tại tòa án Ai Cập.

Trong một diễn biến mới nhất, tân Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah al-Sisi ngày 24/6 tuyên bố sẽ không can thiệp vào phán quyết của Tòa án liên quan đến bản án tù đối với 3 nhà báo của Al-Jazeera, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu trên truyền hình tại một buổi lễ tốt nghiệp quân sự ở Cairo, Tổng thống An-Sisi  khẳng định chính quyền Ai Cập sẽ tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp nước này./.