Tại hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh cho Iraq diễn ra ngày 15/9 ở Thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi xây dựng 1 kế hoạch phản ứng toàn cầu trước mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thông điệp này cũng như mục tiêu của toàn thể hội nghị đã nhận được sự hoan nghênh của dư luận ở Iraq. 

quan_is_tan_bao_xjaj_ispr.jpgPhiến quân Hồi giáo IS (ảnh: AFP)

Hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh cho Iraq quy tụ lãnh đạo từ 30 nước trên thế giới, bao gồm các ngoại trưởng nhiều nước châu Âu, đại diện 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các nước láng giềng của Iraq cũng như các nước cùng Vịnh như Qatar, Arab Saudi, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Trước thềm hội nghị lần này, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Iraq Fouad Masoum để thảo luận về các biện pháp chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Hollande nhấn mạnh rằng, tham vọng của nhóm Nhà nước Hồi giáo vượt ngoài mọi giới hạn lãnh thổ quốc gia, do đó cần phải có 1 kế hoạch phản ứng toàn cầu để đáp lại.

Tổng thống Pháp cho rằng, vụ chặt đầu nhân viên cứu trợ người Anh David Haines trong đoạn băng mà nhóm Nhà nước Hồi giáo công bố hôm 13/9 vừa qua là “hành động giết người hèn hạ” và là một mình chứng nữa cho những mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo đối với toàn thế giới.

Ông Hollande cho biết: “Hội nghị này có duy nhất 1 mục tiêu là đem lại sự hỗ trợ chính trị cần thiết cho chính quyền mới ở Iraq để chiến đấu chống lại mối đe dọa không chỉ đối với đất nước này mà còn cả khu vực Trung Đông và toàn thế giới.”

Dư luận người dân Iraq hoan nghênh hội nghị lần này tại Paris thảo luận về an ninh, chính trị cũng như tình hình nhân đạo trong nước. Các tờ báo lớn của Iraq đưa những dòng tít như “28 nước ủng hộ Iraq tại Hội nghị Paris” hay “Hội nghị Paris về Iraq diễn ra hôm nay”.

Giám đốc 1 kênh truyền hình ở Iraq, ông Hussein Al Jarrah cho biết: “Hội nghị lần này được đánh giá rất cao vì đã đề cập các vấn đề chính trị và quân sự trong khu vực. Tôi nhận thấy người dân Iraq coi Hội nghị này là 1 bước đi đúng đắn, rõ ràng và quyết liệt chống lại chủ nghĩa khủng bố dù chúng là ai và đến từ đâu”.

Amer Shummari, 1 người dân khác ở Thủ đô Baghdad thì bày tỏ:“Tôi mong Hội nghị lần này sẽ ủng hộ việc không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo và triệt tiêu chúng. Tôi hy vọng sự hợp tác thật sự giữa chính phủ và lực lượng an ninh cùng Liên minh chủ chốt chống nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ đem lại kết quả tích cực. Tôi mong liên minh này sớm được thành lập”.

Giới chức Mỹ ngày 14/9 cho biết một số nước Arab đã đề nghị được cùng Mỹ tham gia không kích nhằm vào các mục tiêu thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng, dấu hiệu cho thấy khả năng mở rộng chiến dịch trên không nhằm vào lực lượng phiến quân đã chiếm nhiều khu vực ở Iraq và Syria này.

Sự bổ sung các máy bay tiêm kích Arab có thể tăng cường uy tín của chiến dịch do Mỹ đứng đầu trong một khu vực vốn hoài nghi về việc Washington sẽ cam kết tới mức nào trong cuộc xung đột liên quan đến tất cả các nước ở khu vực này. Một bộ phận dư luận Iraq vẫn băn khoăn về chi phí tiến hành các cuộc không kích này hay các binh sỹ nước ngoài có tham gia vào nhiệm vụ chiến đấu dưới mặt đất hay chỉ huấn luyện cho quân đội Iraq./.