Báo cáo điều tra được chờ đợi đã lâu về cuộc chiến tranh Iraq này đã kết luận rằng: cơ sở pháp lý cho hành động quân sự của Anh tại Iraq là “không thỏa đáng” và Anh đã tham chiến trước khi toàn bộ những phương án hòa bình trở nên bất khả thi. Các bên liên quan đã ngay lập tức có phản ứng bản báo cáo này. 

Theo Chủ tịch Ủy ban Điều tra độc lập của Anh John Chilcot, cơ sở pháp lý cho hành động quân sự của Anh ở Iraq là “không thỏa đáng” và chính sách của Anh về Iraq được đưa ra dựa trên “những đánh giá và thông tin tình báo sai lầm”. 

tony2_cdqh.jpg
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair với các binh sỹ Iraq khi ông còn đương chức. (ảnh: AFP).

Theo ông Chilcot, hành động quân sự không phải là phương sách cuối cùng trong cuộc chiến tranh Iraq. Báo cáo dài 2,6 triệu từ này cũng cho thấy, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã phát biểu với Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush rằng ông sẽ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ trong “bất cứ điều gì” liên quan đến Iraq, vài tháng trước khi hai nước phát động cuộc xâm lược quốc gia Trung Đông này.

Ngay sau khi báo cáo trên được công bố, cựu Thủ tướng Anh Blair đã xuất hiện trên truyền hình bày tỏ lấy làm tiếc về hệ quả của cuộc chiến tranh Iraq, đồng thời tuyên bố ông sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm” về những sai lầm gây ra trong cuộc chiến Iraq: “Quyết định tham chiến tại Iraq và loại bỏ ông Saddam Hussein là một quyết định khó khăn nhất và khổ sở nhất đối với tôi khi còn làm Thủ tướng Anh. Vì quyết định đó, tôi xin chịu mọi trách nhiệm”.

Trước đó, vào tháng 10/2015, ông Tony Blair cũng đã thừa nhận cuộc tấn công Iraq năm 2003 có nhiều sai lầm và cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự xuất hiện và bành trướng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hiện nay trong khu vực.  

 Ông Tony Blair cũng đã thừa nhận cuộc tấn công Iraq năm 2003 có nhiều sai lầm. (ảnh: Getty).

Ông cũng đồng thời đưa ra lời xin lỗi vì những sai lầm trong cuộc chiến do Mỹ đứng đầu và Anh ủng hộ đó, bao gồm tin tức tình báo không chính xác về việc Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt dẫn đến tấn công, sai lầm trong lập kế hoạch tấn công và sai lầm trong nhận thức những hậu quả sau khi lật đổ chế độ của lãnh đạo Iraq lúc đó là ông Saddam Hussein.

Thống kê cho thấy, 179 binh sĩ Anh đã tử trận tại Iraq từ năm 2003 đến 2009. Sự can thiệp của Anh vào Iraq đã khiến người dân nước này bất bình và trở thành một trong những nguyên nhân hạ thấp tỷ lệ ủng hộ ông Blair, và ông đã phải từ chức năm 2007.

Dư luận Anh cũng đã lên tiếng sau khi báo cáo được công bố. Hàng trăm người dân Anh trong đó có không ít gia đình những binh sĩ Anh tử trận tại Iraq đã đổ ra về Trung tâm Nữ hoàng Elizabeth II ở thủ đô London để phản đối báo cáo.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng lên tiếng về vấn đề này. Theo ông Cameron, Chính phủ Anh cần rút ra những bài học từ sai lầm trong quá khứ.

Cùng quan điểm với ông Cameron, Chính phủ Mỹ cũng đã lên tiếng nói rằng cần rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ liên quan đến cuộc chiến tranh tại Iraq. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 6/7, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thừa nhận những sai lầm trong cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, đồng thời cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang giải quyết hậu quả của những sai lầm tại Iraq.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: “Quan điểm của Tổng thống Obama từ lâu vẫn là phản đối cuộc chiến tranh tại Iraq. Tổng thống vẫn đang nỗ lực để giải quyết hậu quả của quyết định định mệnh này. Các Tổng thống kế nhiệm cũng sẽ có hành động tương tự. Điều quan trọng là phải rút ra những bài học từ sai lầm trong quá khứ”.

Trong khi đó, về phía dư luận Iraq, người dân Iraq cũng đã có phản ứng về nội dung của báo cáo: “Quyết định tham chiến tại Iraq của Chính phủ Anh là hoàn toàn sai lầm. Hệ quả của nó hoàn toàn gây đau khổ cho người dân Iraq. Thay vì giải phóng họ, cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn thì cuộc chiến này đã đẩy họ vào vòng xoáy bất ổn”. 

Một binh sỹ Anh ở Iraq. (ảnh: Alamy).

Sau gần 9 năm tham chiến tại Iraq, vào cuối năm 2011, nước Mỹ đã rút toàn bộ quân khỏi nước này. Cuộc chiến tranh tưởng chừng đã chấm dứt cùng với sự ra đi của quân đội Mỹ, song trái lại, việc quân đội Mỹ ra đi không đồng nghĩa với điều này. Cho đến nay, Iraq vẫn hoàn toàn bất ổn. Các vụ đánh bom vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại quốc gia Trung Đông này.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm giữ các khu vực miền Bắc và miền Tây nước này vào tháng 6/2014. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tính riêng trong tháng 6 vừa qua, ít nhất 660 người đã thiệt mạng và 1.457 người bị thương trong các vụ khủng bố, bạo lực và xung đột vũ trang trên khắp Iraq.

Mới đây nhất, hôm 3/7 vừa qua, hai vụ đánh bom liên tiếp tại thủ đô Baghdad của Iraq đã cướp đi mạng sống của khoảng 250 người và khiến nhiều người khác bị thương. Chiến tranh tại Iraq đã kết thúc song hòa bình liệu đã thực sự được lập lại và đến bao giờ người dân Iraq mới thực sự được sống yên ổn là điều không ai có thể đoán trước được./.