Sau những lời cảnh báo, ngày 16/1 Mỹ đã chính thức thông báo quyết định chỉ giải ngân 60 triệu USD trong tổng gói viện trợ 125 triệu USD dành cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine.
Hơn ai hết, nhiều người dân tị nạn Palestine - vốn phụ thuộc phần lớn vào khoản hỗ trợ này đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của chính quyền Mỹ. Bởi với họ, đây là một nguồn để đảm bảo cuộc sống.
Người dân tị nạn Palestine lo ngại khi Mỹ đình chỉ giải ngân khoản viện trợ 60 triệu USD. Ảnh: Reuters |
“Tôi sống phụ thuộc vào sự hỗ trợ để đổi lấy bột mì, dầu ăn. Nếu khoản hỗ trợ này chấm dứt, đây sẽ là vấn đề đối với tôi. Cuộc sống của chúng tôi đã rất khó khăn rồi và tình hình sẽ càng xấu hơn”. Một người tị nạn Palestine bày tỏ.
Giới chức Palestine thì không ngừng chỉ trích quyết định này của Mỹ. Bà Hanan Ashrawi, một quan chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ngày 17/1 đã cáo buộc Mỹ đang tìm cách hạn chế hoạt động của Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc nhằm làm lợi cho Israel.
Theo bà Ashrawi, quyết định cùa Mỹ đang “nhắm vào những người dân Palestin dễ bị tổn thương nhất và tước đoạt quyền của người tị nạn được tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, nơi ở và có một cuộc sống có giá trị.” Quan chức này cũng cảnh báo động thái của Mỹ sẽ làm gia tăng bất ổn tại khu vực.
Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine thì cho rằng quyết định này gây bất ngờ, đồng thời cảnh báo quyết định sẽ ảnh hưởng đến 525.000 sinh viên người Palestine và hàng triệu người tị nạn Palestine.
Tuy nhiên, Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để duy trì các dịch vụ thiết yếu, mặc dù cho biết tổ chức này đang trong tình trạng thâm hụt nghiêm trọng.
Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về việc Mỹ cắt khoản hỗ trợ cho Palestine
Phát biểu tại một cuộc họp về vấn đề Jerusalem ở thủ đô Cairo, Ai Cập, Tổng Thư ký Liên đoàn Aran Ahmed Aboul Gheit nhấn mạnh quyết định này của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền giáo dục và y tế của người Palestine, đồng thời cho rằng động thái này là nhằm xóa bỏ vấn đề người tị nạn Palestine, một trong những vấn đề căn bản trong xung đột giữa Palestine và Israel.
Giới phân tích cảnh báo việc Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc phải đóng cửa hoặc bị hạn chế mà không có một sự thay thế hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng nghèo đói nghiêm trọng hơn và thậm chí bạo lực.
Ông Nahman Shay một luật sư tại dải Gaza nói: “Tôi sẽ chỉ phê chuẩn việc cắt giảm ngân sách của Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc chỉ với một điều kiện nếu điều này giúp chấm dứt xung đột Israel – Palestine. Một bước đi mà không có sự liên tục sẽ chỉ gây hại cho tình hình mà thôi.”
Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc, với cam kết gần 370 triệu USD trong năm 2016. Cơ quan Cứu trợ và Hành động của LHQ cung cấp các dịch vụ như trường học và trạm y tế cho 5,3 triệu người tị nạn trên các vùng lãnh thổ của Palestine, Jordan, Lebanon và Syria./.