Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia “gây ô nhiễm” nhất thế giới, vừa cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết mối đe dọa khẩn cấp do biến đổi khí hậu. Cam kết đưa ra chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng đầu tiên về khí hậu do Tổng thống Joe Biden chủ trì vào ngày 22/4 tới và cũng là sự hợp tác hiếm hoi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trả lời phỏng vấn báo chí tại Hàn Quốc, Đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry mới đây khẳng định, đối với cả Mỹ và Trung Quốc, điều rất quan trọng là giữ cho khí hậu không chịu tác động của bất kỳ yếu tố chính trị, kinh tế hay ngoại giao nào. Bởi đây là vấn đề “mang tính sống còn” ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Ông John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm cấp cao đầu tiên với vai trò là một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc và có các cuộc thảo luận được đánh giá là mang tính xây dựng với người đồng cấp Trung Quốc Tạ Chấn Hoa.
Sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai quốc gia phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu đầu tiên do ông Joe Biden chủ trì kể từ khi lên nhậm chức vào ngày 22/4 tới và sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc lần thứ 26 về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Anh vào tháng 11. Ông John Kerry và ông Tạ Chấn Hoa cũng là những người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
“Chúng ta hãy đến Glasgow. Đây là cơ hội cuối cùng và cũng là tốt nhất mà chúng ta có để thực hiện một cách thực sự và nghiêm túc các cam kết về khí hậu. Nếu coi đây mối đe dọa hiện hữu, thì chúng ta phải biết cách đối xử với nó như thế nào. Tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển nhất phải có trách nhiệm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức cho phép để mang lại hi vọng cho đại đa số các quốc gia trên thế giới không góp phần vào lượng khí thải khổng lồ này”, ông Kerry nói.
Trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không hề che giấu tham vọng đưa khí hậu trở thành một điểm nhấn trong nhiệm kỳ 4 năm của mình và đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu sắp tới. Ông hy vọng thông qua sự kiện có thể thúc đẩy những bước đi tham vọng hơn về khí hậu.
Liên Hợp Quốc nhiều lần bày tỏ thất vọng khi cam kết về khí hậu của các quốc gia thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C và tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp. Dự kiến trong tuần này, Mỹ sẽ đưa ra cam kết về khí hậu để khôi phục lòng tin của các đồng minh, cũng như trở lại vai trò dẫn dắt thế giới về khí hậu.
Trong khi đó, Trung Quốc tới nay vẫn chưa đưa ra cam kết mới hay cập nhật về khí hậu theo Hiệp định Paris và ngày càng chịu áp lực phải công bố cách thức kiềm chế việc sử dụng than đá gây ô nhiễm và những biện pháp khác để đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050.
Theo Cố vấn khí hậu cấp cao của tổ chức phi chính phủ Hòa bình Xanh Li Shuo, tuyên bố chung về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc đã nêu bật cam kết rõ ràng của cả hai nước để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong khi đó, chuyên gia phân tích hàng đầu Lauri Myllyvirta tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Mỹ, cho rằng, tại thời điểm này, việc hiểu được các mong muốn của nhau và mức độ tham vọng của từng bên, cũng như nhất trí về các cam kết để thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu... cũng đã là một bước đầu quan trọng./.