Vào lúc 14h chiều 6/5, các nhân viên cứu hộ đã đưa được thi thể người thợ thứ hai từ dưới độ sâu gần 1.000m lên mặt đất và giống như trường hợp thứ nhất đưa lên cách đó 4 giờ, các bác sĩ xác nhận người thợ này cũng không còn dấu hiệu của sự sống, có thể do bị ngạt khí mê-tan. Các cuộc kiểm tra ADN đang được tiến hành nhanh chóng để xác định danh tính nạn nhân.
Mọi người chờ đợi bên ngoài mỏ JSW sau trận động đất (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ đang cố gắng chạy đua với thời gian để cứu 3 thợ mỏ vẫn còn mất tích dưới hầm sâu. Tuy nhiên, công tác cứu hộ cũng gặp trở ngại lớn bởi càng xuống sâu dưới lòng đất, khí ô-xi cạn kiệt và nồng độ khí mê-tan tương đối cao, trong khi hệ thống thông tin liên lạc với các thợ mỏ mất tích bị tê liệt. Các chuyên gia đang tạo thêm đường thông gió để làm loãng khí mê-tan và bơm thêm ô-xi hỗ trợ các nhân viên cứu hộ.
Trận động đất mạnh 3,4 độ richter tại thị trấn miền Nam Zastrzebie Zdroj của Ba Lan vào trưa ngày 5/5 đã làm một đường hầm 11 thợ mỏ đang đào tại mỏ than Zofiowka dưới độ sâu 900m bị sập. Bốn người chạy thoát, hai trong số bảy người còn lại bị mắc kẹt trong đất đá cũng đã được cứu thoát và đưa tới bệnh viện để chữa trị.
Phát biểu với báo chí trong chuyến thăm thị trấn ngày 6/5, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng nỗ lực tìm kiếm cứu hộ sẽ tiếp tục đến khi không còn tia hy vọng thì thôi. Ông Andrzej Duda tin rằng, các thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất vẫn còn sống sót và các nhân viên cứu hộ sẽ tiếp cận và đưa họ lên mặt đất an toàn./.
Động đất tại các mỏ ở Ba Lan và Nam Phi gây nhiều thương vong
Động đất rung chuyển khu vực Tây Nam Iran, hơn 105 người bị thương