Nhằm kiểm soát ô nhiễm, chính quyền thủ đô Paris của Pháp đã quyết định từ ngày 1/7 cấm các xe ô tô có tuổi đời 20 năm hoạt động trong phạm vi thành phố.
Các phương tiện giao thông di chuyển trên phố Rue La Fayette ở Paris. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với biện pháp mới này của chính quyền thành phố Paris. Không ít chủ xe đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng, giải pháp mới này sẽ làm tổn thương túi tiền của người nghèo.
Một số người cho biết: “Tôi chẳng có phương tiện khác để đi vì vậy tôi sẽ vẫn sử dụng chiếc xe cũ này. Có thể là tôi sẽ bị phạt hàng tuần. Nếu mọi việc đi xa hơn, có lẽ tôi phải đóng cửa hoạt động kinh doanh của mình. Sẽ có nhiều người phải mất việc. Tôi thấy, luật mới này chưa thỏa đáng”...
“Tôi vẫn sẽ phải làm việc để sống. Tôi cho rằng mình sẽ bị phạt nhiều lần nhưng biết làm sao được”...
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Paris phần nhiều là do hoạt động phát thải của các phương tiện giao thông. Theo một công bố của Ủy ban Y tế Pháp, ước tính, mỗi năm có khoảng 3,7 triệu người trên khắp thế giới chết vì ô nhiễm, trong khi ở châu Âu là 400 nghìn người và riêng ở Pháp, ô nhiễm không khí làm khoảng 48 nghìn người tử vong. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí còn làm giảm tuổi thọ khoảng 15 tháng của người dân sống tại các đô thị.
Giải pháp cấm xe cũ có tuổi đời 20 năm hoạt động chưa phải là dấu mốc cuối cùng. Theo thị trưởng thành phố Paris, ông Hidalgo, để đối phó với ô nhiễm không khí, kế hoạch đến năm 2020, lệnh cấm xe cũ hoạt động ở Paris sẽ mở rộng phạm vi điều chính tới các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong, có “9 năm tuổi đời”./.