- Mỹ triển khai chiến đấu cơ tàng hình gần Iran
- Mỹ có thể cho phép Iran làm giàu urani
- Iran: Khả năng của một cuộc chiến tranh là rất thấp
Bộ Dầu mỏ Iran vừa đưa ra kế hoạch giảm giá dầu xuất khẩu cho các khách hàng nhằm đối phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành dầu mỏ nước này.
Ông Rostam Qasemi Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran tin rằng, động thái này sẽ giúp Iran vượt qua sự cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ. Ông dự đoán, trong trường hợp đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 vào ngày 23/5 tại Baghdad thất bại, thị trường thế giới sẽ chứng kiến giá dầu mỏ tăng mạnh.
Lên tiếng trước vòng đàm phán tiếp theo của Iran và nhóm P5+1, Nga cho rằng lệnh cấm vận dầu của Liên minh châu Âu đối với Iran sẽ gây tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế của các nước trong khối.
Trường hợp đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 thất bại, thị trường thế giới có thể sẽ chứng kiến giá dầu mỏ tăng mạnh. (Ảnh: the Guardian) |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, Liên minh châu Âu đưa ra quyết định dừng mua dầu của Iran nhưng rất nhiều nước trong Liên minh này phụ thuộc vào nguồn dầu này. Có nước tuyên bố sẽ bù vào khoản dầu thiếu hụt của Iran, nhưng một số cơ sở lọc dầu đã được thiết kế đặc biệt dành riêng cho dầu của Iran. Việc điều chỉnh lại sẽ cần sự đầu tư đáng kể, điều mà các nước Liên minh châu Âu khó có thể thực hiện vào thời điểm này.
Nga đã ủng hộ 4 vòng trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Iran mà các nước phương Tây cho rằng nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Lavrov nhắc lại quan điểm của Nga phản đối đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, bao gồm lệnh cấm dầu Liên minh châu Âu có hiệu lực vào tháng 7 tới.
Ông Lavrov cho rằng, Iran nên đệ trình một lộ trình thực tế và cụ thể dựa trên nguyên tắc hành động. Và nếu Iran bắt đầu các bước đi đáp ứng yêu cầu của Hội đồng Nảo an Liên Hợp Quốc và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, ví dụ như không tăng số lượng máy li tâm, thì các biện pháp trừng phạt nên dừng lại và không đưa thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Trước đó, đầu năm nay Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Iran, tiếp đó, Mỹ cũng đã lập tức đưa thêm ngân hàng lớn thứ ba của Nhà nước Hồi giáo này vào danh sách đen nhằm siết chặt hơn nữa luồng tiền có thể cấp cho hoạt động phát triển hạt nhân của nước này. Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy trước đây đều là những khách hàng lớn nhập dầu của Iran và nay có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Iran của Mỹ./.