Tuyên bố này được Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Mỹ và đồng minh Hàn Quốc vẫn bất đồng trong cách tiếp cận với Triều Tiên, về việc có tiếp tục dùng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình hay không.

trump_kim_scce.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TownPress.

Quan hệ Mỹ-Triều có những dấu hiệu tích cực kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra ngày 12/6 vừa qua ở Singapore, với việc hai bên tiếp tục lên kế hoạch cho khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được đánh giá là sẽ quyết định mức độ thành công của tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đó là nới lỏng và dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng trừng phạt cho đến khi Triều Tiên hoàn thành việc phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Triều Tiên đã nhất trí phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên chúng tôi chưa dỡ bỏ các biện pháp trừng trừng phạt. Hiện Mỹ có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng dỡ bỏ, nhưng đổi lại chúng tôi phải nhận được những gì để thực hiện điều đó”.

Tuy nhiên, Triều Tiên lại khẳng định, các biện pháp trừng phạt cần phải được dỡ bỏ trước khi có bất cứ bước tiến nào trong các cuộc đối thoại hạt nhân. Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Ngoại giao Triều Tiên không cảnh báo từ bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Mỹ, nhưng cáo buộc Mỹ không thực hiện đúng các cam kết đưa ra.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định, nước này có thể đưa trở lại chính sách “Song tiến” (Byongjin), khuyến khích phát triển kinh tế song song với theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không thay đổi lập trường.

Thông báo này đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố có thể sẽ nối lại các vụ thử vũ khí và hoạt động phát triển hạt nhân khác kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố chính sách quốc gia mới tháng 4 vừa qua. Theo chính sách mới, Triều Tiên tuyên bố sẽ chỉ tập trung phát triển kinh tế, thay vì phát triển cả hạt nhân và kinh tế như trước đây.

Nới lỏng và dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cũng là giải pháp được nhiều nước, trong đó có Nga và Trung Quốc ủng hộ trong cách tiếp cận với Triều Tiên nhằm tạo bầu không khí đối thoại tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho rằng, Mỹ và các nước còn lại cần phải thể hiện cho Triều Tiên rằng, nước này đang có các quyết định đúng đắn khi từ bỏ tham vọng hạt nhân, và đảm bảo những lợi ích mà Triều Tiên có thể được nhận sau khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 9, một đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để tìm kiếm các cơ hội hợp tác hai miền. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Hàn Quốc đối với Triều Tiên dường như lại tạo ra sự khó chịu với Mỹ, trong bối cảnh ngày càng có lo ngại gia tăng rằng Triều Tiên có thể không thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa của mình. Trước cảnh báo của Mỹ, Hàn Quốc tháng trước đã buộc phải rút lại đề xuất dỡ bỏ lệnh trừng phạt đơn phương của nước này nhằm vào Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump nhắc nhở rằng Hàn Quốc không thể tự ý hành động nếu chưa có sự đồng ý của Mỹ.

Việc Mỹ tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cho thấy nước này mong muốn coi đây như một thứ “vũ khí” để gây áp lực với Triều Tiên. Tuy nhiên, nếuMỹ không muốn từ bỏ thứ “vũ khí trừng phạt” quan trọng để gây áp lực với Triều Tiên, thì họ cũng khó có thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân vốn được coi là “lá bài hộ mệnh” cho an ninh quốc gia của mình. Điều đó cho thấy sự cần thiết của Mỹ phải có cách tiếp cận linh hoạt hơn trong vấn đề Triều Tiên để đảm bảo các cuộc đối thoại đi đúng hướng./.