Diễn đàn Liên minh các nền văn minh lần III khai mạc ngày 28/5 (giờ địa phương), tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Đại diện của 122 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Bolivia Evo Morales, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan… tham gia sự kiện này.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định, Brazil sẽ thúc đẩy các nỗ lực của nước này trong việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông.

Vừa trở về sau chuyến thăm một số nước khu vực kéo dài một tuần, Tổng thống Silva nhấn mạnh rằng, hoà bình Trung Đông là một vấn đề khẩn cấp cần được giải quyết. “Thế giới cần có một Trung Đông hoà bình và Brazil rất quan tâm đến điều đó. Brazil bảo vệ mục tiêu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân và việc cam kết đầy đủ đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi tin rằng, năng lượng hạt nhân nên là một công cụ để thúc đẩy sự phát triển và không phải là một mối đe doạ”, ông Silva nói.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói rằng, thế giới cần giải quyết các cuộc xung đột văn hoá, nhằm làm giảm những căng thẳng. “3/4 các cuộc xung đột lớn trên thế giới ngày nay có khía cạnh văn hoá. Chúng ta đang tìm cách giảm căng thẳng thông qua việc tìm những câu trả lời cho một số vấn đề cấp bách nhất, đó là làm thế nào để xây dựng các xã hội gồm nhiều thành phần? Làm sao để đẩy mạnh giáo dục và tăng cường sức mạnh cho phụ nữ? Làm thế nào để loại bỏ những bài hát inh ỏi vốn làm trệch hướng thế hệ trẻ sang hành động cực đoan”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Về phần mình, đại diện cấp cao của Liên Hợp Quốc về Liên minh các nền văn minh và là cựu Tổng thống Bồ Đào Nha Jorge Sampaio cũng bảo vệ sự trao đổi giữa các nền văn hoá, nhằm giải quyết các vấn đề của thế giới khi nói rằng: “Tư tưởng đổi mới và hành động sáng tạo là cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi và sự hợp tác mạnh mẽ hơn cho đối thoại liên văn hoá. Sự tham gia rộng rãi của tất cả các giai tầng xã hội là những nhân tố không thể thiếu cho những thay đổi cần thiết”./.