Diễn đàn chính thức là ngày mùng 2 và mùng 3/9, nhưng suốt từ ngày mùng 1 đến mùng 4/9 đều có hoạt động và thu hút hơn 4.600 người tham dự… Kết thúc Diễn đàn, 218 thỏa thuận được ký kết, trị giá gần 1.900 tỷ rúp… đó là kết quả ngoài dự kiến của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 2 (EEF-2) vừa kết thúc tại Vladivostok (LB Nga) cuối tuần qua.
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 2 (EEF - 2) tại Vladivostok, LB Nga với mục tiêu thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm trong tương lai. |
Diễn ra lần thứ hai trong 2 năm liên tiếp, nhưng sức hút mạnh mẽ của một Diễn đàn tầm cỡ quốc tế với nhiều thông tin, nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào một vùng kinh tế trọng điểm, vùng Viễn Đông của LB Nga, đã khiến các quốc gia, các tập đoàn, công ty… các doanh nghiệp trong và ngoài LB Nga rất quan tâm.
4.600 đại biểu từ 56 quốc gia tới tham dự Diễn đàn, con số ấy đã tăng 1,5 lần so với lần thứ nhất vào năm ngoái, năm 2015. Trong đó, đoàn tham dự đông nhất đến từ Nhật Bản với 246 người, Trung Quốc 227 người và Hàn Quốc 128 người. Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản là những nhà lãnh đạo cấp cao nhất tham dự Diễn đàn. Họ đã có những cuộc hội đàm, gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Putin sau khi đã phát biểu ngay tại phiên toàn thể của Diễn đàn. Tất cả những điều đó minh chứng cho sức hấp dẫn của vùng kinh tế mở Viễn Đông đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phiên toàn thể của Diễn đàn EEF-2 với sự tham gia của Tổng thống Nga, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản và hàng trăm đại biểu từ nhiều vùng LB Nga và 56 quốc gia. |
Trong 2 ngày của “Diễn đàn Kinh tế Phương Đông” cùng với một phiên toàn thể có sự tham dự của Tổng thống Nga, Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản, có khoảng 50 phiên thảo luận lớn, nhỏ ở các tiểu ban, với các chủ đề cụ thể. Thành phần đại biểu tham dự cũng rất khác nhau: từ các quan chức cấp cao, các nhà lãnh đạo bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách (Cụ thể là 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 14 Bộ trưởng, 16 người đứng đầu các cơ quan và tổ chức liên bang, 10 lãnh đạo các chủ thể của Liên bang Nga), đến các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư, kinh doanh… tham gia trao đổi rất cặn kẽ, rất nghiêm túc và thu được nhiều thông tin hữu ích cho các bên tham gia về các nội dung liên quan đến việc thúc đẩy hợp tác, liên kết – liên doanh, đầu tư trực tiếp phát triển khu vực Viễn Đông rất giàu tiềm năng.
Chính bởi những nội dung thiết thực, cách tổ chức hợp lý của các bên hữu quan, trong đó có Cơ quan tổ chức sự kiện lớn của Nga là Quỹ Roscongres, kết quả thu về cũng rất ấn tượng: 218 thỏa thuận với tổng trị giá gần 1.900 tỷ rúp (tương đương 29 tỷ USD) đã được các bên ký kết. Quan trọng hơn, từ Diễn đàn này, nhiều thông tin về kết quả hợp tác, đối tác giữa các quốc gia trong khu vực châu Á – TBD với LB Nga tại khu vực này thời gian gần đây, đặc biệt kể từ Diễn đàn năm ngoái đã được báo cáo chính thức.
Tại cuộc “Đối thoại kinh doanh Nga – Hàn Quốc”, trong khuôn khổ Diễn đàn, những con số rất ấn tượng đã được chính ông Yuri Trutnev, Phó Тhủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, Đại diện đặc mệnh toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga tại Vùng Viễn Đông nêu lên với nhận định rằng sự hợp tác giữa hai nước phát triển với một tốc độ ổn định: tăng trưởng cao nhất trong năm 2016 là nhờ kim ngạch xuất khẩu thực phẩm Nga sang Hàn Quốc (tăng thêm 242%), cung cấp nguyên liệu khoáng sản, dầu đã tăng thêm 21%.
Ông Trutnev cũng nêu một số dự án khác của Hàn Quốc đã và đang được thực hiện rất thành công ở LB Nga như các dự án Hyundai Motors và KIA Motors ở St Petersburg và tỉnh Kaluga, Solaris ở Vladivostok, Samsung Electronics và LG Electronics ở Kaluga và tỉnh Mátxcơva... Ông cũng nêu các lĩnh vực cần phải đạt được các thỏa thuận như cung cấp thịt từ Nga, đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào công nghiệp chế biến cá. Và ông Yuri Trutnev đánh giá cao sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và coi “sự có mặt của Bà sẽ là một tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệ cả hai nước, sẽ giúp đưa công cuộc hợp tác kinh tế lên một mức độ mới về chất”.
Cũng như vậy, sự hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc đang mang về cho vùng Viễn Đông của Nga nói riêng, LB Nga nói chung nhiều dự án, nhiều nguồn vốn lớn để phát triển Viễn Đông và LB Nga. Các doanh nghiệp, tập đoàn hay công ty lớn của nhiều quốc gia khác cũng đã và đang nhìn thấy tiềm năng rất lớn của vùng Viễn Đông với các dự án lớn như xây dựng các “đặc khu kinh tế”, tham gia vào “hải cảng tự do” và nhiều ưu đãi khác từ phía Nhà nước Nga, các vùng, các tỉnh, thành và các địa phương thuộc Viễn Đông…
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn. |
Bên lề Diễn đàn Kinh tế, “Diễn đàn Các Trường Đại học Nga – ASEAN” với 8 phiên thảo luận trong 2 ngày cũng diễn ra rất tích cực, hướng đến những chủ đề thiết thực như “Đối thoại về các vấn đề an ninh – Vai trò của các học giả và các chuyên gia Nga và ASEAN”; “An toàn sinh thái học và Sinh học: Hợp tác Nga – ASEAN”; “Nga – ASEAN: Những khả năng kinh doanh và kinh doanh - giáo dục”; “Đối tác Nga và ASEAN: định hướng và kết quả”…
Ở các diễn đàn chuyên đề này, một số đại biểu Việt Nam thuộc các bộ, ngành như Ngoại giao, Giáo dục – Đào tạo, Y tế… cũng tham dự. Tham luận của đại biểu Việt Nam như của Tổng lãnh sự Huỳnh Minh Chính, của đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Trí Đức… đã được các đại biểu đánh giá rất cao vì những nội dung rõ ràng và nêu những bước đi cụ thể trong thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, đối tác truyền thống tốt đẹp giữa Nga với ASEAN, mà ở đó, Việt Nam là một trong những thành viên có vị trí quan trọng.
Học giả Nga Mosyakov (cầm sổ, bút) tại dự diễn đàn Nga - ASEAN. |
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về các quốc gia phương Đông và mối quan hệ của Nga với các quốc gia châu Á – TBD thuộc các viện nghiên cứu lớn của Nga cũng tham dự và trình bày nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, góp thêm những thông tin quý báu cho Diễn đàn. Nhiều chuyên gia đánh giá cao về các chủ đề, những thông tin được nêu tại Diễn đàn lần này.
Ông Dmitri Moxiakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại dương, Viện Phương đông học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga; ông Vladimir Kolotov, Trưởng Khoa Lịch sử các nước phương Đông và Đông Nam Á, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Sanh Petecbua, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Sanh Petecbua đều có tham luận và tham dự rất nhiều các diễn đàn chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Nga – ASEAN… Các học giả Nga cũng đánh giá rất cao Diễn đàn này và những tham luận của Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông họp báo kết thúc Diễn đàn |
Tổng kết Diễn đàn, tại buổi họp báo diễn ra tối 3/9, Phó Thủ tướng LB Nga, Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Viễn Đông Iuri Trudnev khẳng định: “Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức để cho vùng Viễn Đông phát triển nhanh hơn. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng, số lượng các dự án đầu tư mới, dòng đầu tư chảy vào khu vực… thì có thể nói là quá trình này đã bắt đầu. Nhưng cũng nên hiểu rằng đây chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi hy vọng trong hai hoặc ba năm tới hệ thống sẽ đứng vững, sẽ trở nên toàn diện và cạnh tranh. Chúng tôi hiểu rằng sự phát triển của khu vực trước hết là do những người tạo ra các doanh nghiệp mới ở đây thực hiện. Để họ tiếp tục làm việc này thì họ cần hiểu là vùng Viễn Đông đang phát triển, làm việc ở đây thực sự là tốt hơn”.
Như vậy, có thể nói, những mục tiêu đặt ra cho Diễn đàn mang tầm quốc tế này đã được hoàn thành. Đó là mục tiêu “Củng cố các mối liên hệ của cộng đồng đầu tư quốc tế, Nga, các vùng và các cơ quan chính quyền địa phương”; “Đánh giá một cách toàn diện và chuyên nghiệp về tiềm năng kinh tế Viễn Đông cũng như nâng cao tính cạnh tranh và thu hút đầu tư của khu vực đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước Nga”; “Giới thiệu những điều kiện ưu đãi mới đối với đầu tư và kinh doanh như các đặc khu phát triển, hải cảng tự do Vladivostok, những hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án đầu tư tiềm năng”.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại một phiên thảo luận về hợp tác giáo dục Nga - ASEAN (Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vũ Quang Minh ngồi ngoài cùng hàng đầu). |
Đối với Việt Nam, (tiếc là năm nay, số đại biểu tham dự không nhiều và chưa có nhiều các đại biểu từ các doanh nghiệp lớn) Diễn đàn Kinh tế Phương Đông là nơi rất bổ ích để thu thập những thông tin có lợi cho các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Việt Nam. Nếu tham dự đầy đủ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể chớp được những cơ hội tốt tham gia vào khu vực kinh tế đầy tiềm năng này. Tham dự khá đầy đủ nhiều phiên thảo luận của Diễn đàn,
Ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng thừa nhận điều đó và nhận xét: “Diễn đàn như một “chợ ý tưởng”. Rất nhiều ý tưởng hay được đưa ra. Ví dụ như có những ý tưởng về không gian liên kết Á – Âu với đề xuất mới là làm thế nào để mở rộng không gian từ Lisbon đến Vladivostok và nối tới ASEAN. Diễn đàn này cũng khẳng định triển vọng của TPP (Liên kết kinh tế xuyên Thái Bình Dương) và còn có những ý tưởng gợi mở về liên kết Bắc Thái Bình Dương (gọi là NPP), liên kết các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Nga, Nhật bản, Hàn Quốc với không gian kinh tế Á – Âu. Điều đó sẽ rất tuyệt vời”.
Ông Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại vùng Viễn Đông, LB Nga thì đánh giá: “Diễn đàn này được tổ chức với quy mô lớn như vậy chứng tỏ sự quan tâm chính trị rất cao của Lãnh đạo Nga đối với việc phát triển kinh tế, xã hội vùng Viễn Đông. Việt Nam cũng hết sức coi trọng Diễn đàn này, có đại biểu tham dự cả hai lần, theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm những cơ hội và khả năng thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa hai bên từ cơ sở quan hệ truyền thống để làm sao nâng tầm quan hệ giữa hai bên lên cao hơn nữa phục vụ cho lợi ích chung của cả hai nước”.
Logo VOV trên pano quảng bá EEF - 2 với các đơn vị báo chí lớn của Nga và một số quốc gia tham gia làm "Đối tác thông tin" của Diễn đàn. |
Lần đầu tiên, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), được mời đại diện cho các cơ quan báo chí Việt Nam làm “Đối tác thông tin” của Diễn đàn./.