Các nhà chức trách Hà Lan cho biết ổ dịch cúm gia cầm thứ hai được phát hiện tại một trang trại ở Ter Aar miền Nam nước này, nhưng chưa biết đây có phải là chủng cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm cao đã phát hiện đầu tuần hay không.

7310758_turkey_c_rex_bjqx.jpg Gà tây ở Đức bị nhiễm hàng loạt virus cúm A/H5N8 (ảnh: fwi.co.uk)
Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Hà Lan (NVWA) cho biết, ổ dịch mới nhất được phát hiện tại ba dãy chuồng nuôi 43.000 con gà tại một trang trại ở Ter Aar, ngay phía Đông La Haye. Nhà chức trách cũng đã đặt 10 km hàng rào xung quanh trang trại, trong khi bốn trang trại khác cũng đang được xét nghiệm cúm gia cầm.

Hiện các nhân viên chức năng đang tiêu hủy gà bệnh và tiến hành khử trùng trang trại, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Hà Lan cho biết về lệnh cấm vận chuyển gia cầm tiếp theo bởi ổ dịch thứ hai mới xuất hiện này. Ông Benno Bruggink-Người phát ngôn của Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Hà Lan cho biết:

“Chúng tôi công bố ban hành một lệnh cấm tiếp theo kéo dài trong vòng 72 giờ đối với việc vận chuyển gia cầm, trứng và các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến gia cầm. Những người nuôi thú thì cần giữ chúng trong nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng ban hành một lệnh cấm săn bắn. Như vậy, virus sẽ không lây lan, chúng tôi có cơ hội tìm ra nguồn gốc của virus”

Trước đó, 150.000 con gà đã bị tiêu hủy tại nông trại ở Hekendorp, cách Ter Aar khoảng 25 km về phía Đông Nam. Chủng virus tại đây được xác định là chủng H5N8 trước đây chỉ phát hiện ở châu Á.

Đến nay, cúm gia cầm đã xuất hiện ở 2 nước châu Âu khác là Đức và Anh. Trường hợp ở Anh được phát hiện không lâu sau khi có cúm gia cầm tấn công nông trại đầu tiên ở Hà Lan.

Trước đó, hôm 17/11 vừa qua, châu Âu đã ban hành các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm. Trong khi đó, các chuyên gia đang điều tra mối liên hệ giữa cúm gia cầm ở 3 nước trên. Họ cho rằng, dịch cúm gia cầm ở châu Âu lần này có thể do những con chim hoang dã di cư từ châu Á. Các trường hợp cúm gia cầm đã được ghi nhận ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản khiến những nước này phải thiêu hủy hàng triệu con gia cầm.

Trước nguy cơ này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo người dân châu Âu không được tiếp xúc với các gia cầm bị bệnh hay đã chết, và nếu chẳng may có tiếp xúc cần được kiểm tra thân nhiệt trong vòng 2 tuần tiếp sau đó.

Theo WHO, từ năm 2003 đến 2013, trên thế giới đã có 648 người bị nhiễm chủng virus cúm gia cầm H5N1 trên 15 quốc gia, khiến 384 người thiệt mạng./.