Số ca mắc tăng vọt kể từ đầu năm ở Brazil đã đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải và dẫn tới 100.000 ca tử vong chỉ trong vòng 1 tháng. Nhiều chính quyền các địa phương chủ quan nới lỏng phong tỏa khi thấy số ca tử vong giảm nhẹ so với đỉnh dịch (hơn 4.000 ca/ngày) hồi đầu tháng 4.
Các chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm cảnh báo, việc nới lỏng sẽ khiến số ca tử vong tiếp tục leo thang trong nhiều tháng nữa, vì chỉ riêng tiêm phòng không thể kiểm soát được dịch.
Ông Jamal Suleiman, chuyên gia dịch tễ tại Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Emilio Ribas ở (thành phố São Paulo) nhận định: số ca tử vong có thể đạt trung bình hơn 2.000 ca mỗi ngày.
“Viễn cảnh sẽ ngày càng xấu đi, bởi vi khi bạn nới lỏng các biện pháp hạn chế, điều gì sẽ xảy ra. Sẽ có sự gia tăng đi lại của người dân, tăng nguy cơ có thêm các biến thể mới nghiêm trọng hơn so với các biến thể đang lưu hành, nhất là ở người trẻ”, ông Suleiman nói.
Brazil dù dân số chỉ bằng 1/6 của Ấn Độ nhưng có tổng số ca tử vong cao hơn. Tình trạng lây nhiễm tăng vọt được cho là do biến thể P.1 được phát hiện ở Brazil có khả năng lây nhiễm cao hơn 2,5 lần so với virus ban đầu. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng gặp khó khăn khi Bộ Y tế nước này thông báo, trong 3 tháng qua, khối lượng vaccine nhận được thấp hơn 30% so với dự tính. Nhiều địa phương đã cạn kiệt vaccine và không thể tiêm mũi thứ hai.
Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở Argentina. Các chuyên gia y tế cho rằng, giải pháp then chốt hiện nay là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bởi các bệnh viện đã quá tải, gường bệnh ở phòng chăm sóc tích cực được phủ kín đạt tỷ lệ 68%.
Quốc gia Nam Mỹ đã trải qua 3 năm liên tiếp suy thoái và hiện đang phải cân bằng giữa việc chống dịch và bảo vệ những thành quả phục hồi kinh tế còn rất mong manh.
Tiến sỹ Ciro Ugarte, Giám đốc bộ phận y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới phụ trách khu vực Nam Mỹ nhận định không chỉ riêng Braxin, Argentina mà toàn khu vực Mỹ Latin, trong đó có Peru, Ecuador, Bolivia, Argentina, Uruguay và Guyana, tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Chương trình COVAX đã phân phối 7,3 triệu liều vaccine cho Mỹ Latin và Caribe nhưng nhu cầu cao hơn rất nhiều so với nguồn cung. Nhiều nước không thể ký các hợp đồng song phương với các nhà sản xuất vaccine và đang phải trông chờ vào nguồn cung của COVAX. Việc có thể làm để hỗ trợ Mỹ Latin chống dịch hiện nay là các nước giàu chia sẻ bớt nguồn vaccine mà họ đang dự trữ./.