Khi dịch Covid-19 tác động tới khu vực Đông Nam Á, đã có những dự báo nghiêm trọng về sự gia tăng xung đột và bất ổn trong khu vực. Những dự báo này dựa vào tác động về kinh tế và sự bất ổn xã hội của đại dịch. Tuy nhiên, khi năm 2020 kết thúc, bối cảnh chính trị của khu vực lại tương đối ổn định, ít xung đột bạo lực hơn hẳn so với những năm trước, đặc biệt là ở các quốc gia như Thái Lan, Myanmar hay Indonesia.
Hàng chục nghìn sinh viên Thái Lan đã xuống đường tuần hành ở Bangkok và một số tỉnh kể từ tháng 9 để phản đối chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha. Tuy nhiên, khi đó, làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn chưa ập vào quốc gia này. Các cuộc tuần hành của sinh viên Thái Lan diễn ra tương đối ôn hoà mặc dù vẫn xảy ra những xô xát đáng tiếc.
Thủ tướng Malaysia Muhyuddin Yassin cũng đã trụ vững mặc dù chỉ hơn liên minh đối lập một số ít ghế trong nghị viện. Ở Singapore, Myanmar các cuộc bầu cử diễn ra trong hoà bình với những người đương nhiệm là ông Lý Hiển Long và đảng của bà San Suu Kyi tiếp tục nắm quyền.
Xung đột bạo lực cũng lắng xuống ở các khu vực vốn là điểm nóng của Đông Nam Á như Mindanao (Philippines), miền Nam Thái Lan, Bang Kachin, Rakhine (Mynamar). Một lệnh ngừng bắn đơn phương do nhóm vũ trang chống chính quyền ở miền Nam Thái Lan tuyên bố kéo dài từ tháng 4 năm nay đã mang lại sự bình yên chưa từng có cho khu vực luôn muốn ly khai.
Tại bang Rakhine của Myanmar, nơi nhóm Arakan vẫn thường xuyên đụng độ với quân đội của Myanmar, một lệnh ngừng bắn không chính thức cũng được đưa ra, cho phép những người dân trở về làng của mình.
Sự bình yên một cách tương đối tại Đông Nam Á khi dịch Covid-19 bùng phát có thể được giải thích bằng việc đại dịch đã chiếm gần như toàn bộ tâm trí của tất cả mọi người. Những căng thẳng về xã hội và kinh tế đã thay thế cho những xung đột về chính trị và bạo lực. Khu vực Đông Nam Á chịu tổn thất nặng nề khi 9 trên 10 quốc gia có sự tăng trưởng âm trong năm 2020.
Tại Myanmar, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ nghèo đói đã tăng vọt kể từ tháng 7, từ 16% lên 60% ở một số khu vực. Trong khi đó, ở các khu vực nghèo của Kuala Lumpur (Malaysia), cứ ba thanh niên thì có một người thất nghiệp và đã từ bỏ việc tìm kiếm việc làm, theo một cuộc khảo sát vào tháng 10 của Liên Hợp Quốc.
Ngay cả ở Thái Lan, nơi căng thẳng chống chính phủ tăng cao trong ba tháng qua, có rất ít bằng chứng cho thấy người Thái trên khắp đất nước đang đổ xô tham gia các cuộc biểu tình tập trung chủ yếu ở thủ đô. Đa phần những người tham gia là giới trẻ, họ đòi hỏi về dân chủ và cải cách chế độ, những thứ quá xa vời và mông lung trong hoàn cảnh hiện tại.
Trong cuộc bầu cử cấp tỉnh được tổ chức vào tháng này, một phong trào chính trị được sự ủng hộ mạnh mẽ của phong trào biểu tình của sinh viên đã không giành được ghế nào. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho rằng công chúng quan tâm hơn đến giáo dục và cải cách tư pháp, và ít quan tâm hơn đến các yêu cầu của học sinh.
Với việc hầu hết mọi người giao phó sức khỏe và an ninh của họ cho các chính phủ trong thời kỳ đại dịch, trong một số trường hợp phản đối các nỗ lực của chính phủ để mở cửa nền kinh tế, sự nhẫn nhịn này đã tạo ra sự khoan dung cao hơn mức bình thường cho các chính phủ trong khu vực.
Nhìn chung, có vẻ như đại dịch đã có tác động làm giảm sút hoạt động của đối lập ở mọi khía cạnh. Không chỉ hạn chế về di chuyển khiến việc vận động trở nên khó khăn, mà những lo ngại của công chúng về tình hình sức khỏe khiến người dân ít có khả năng tham gia các cuộc biểu tình đông đúc. Tình hình này cũng khiến các nhóm vũ trang khó tập hợp ủng hộ đối với các chiến dịch bạo lực của họ.
Vaccine là câu chuyện của tương lai và đó là liều thuốc cần thiết cho sự phục hồi của kinh tế - xã hội không chỉ của riêng khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh tích cực, Covid-19 có lẽ đã làm cho con người trở nên bao dung và độ lượng hơn, dù phải giãn cách nhưng lại xích gần nhau hơn về tư tưởng để cùng đối phó với một kẻ thù chung./.