Dịch viêm phổi cấp do virus vorona mới (SARS-CoV-2) đến vào thời điểm Liên minh châu Âu đang hy vọng có thể chấn chỉnh và hồi sinh các đường biên giới mở nội khối, trong bối cảnh Anh rời Liên minh châu Âu, tình trạng khủng bố và cuộc khủng hoảng nhập cư bắt đầu suy yếu.

phap_nsai_gdcb.jpg
Các nhà khoa học ở Pháp nghiên cứu cách đối phó virus corona chủng mới.
Ảnh: 
AFP.

Hầu hết các nước châu Âu đã xuất hiện virus SARS-CoV-2, tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, Croatia, Pháp, Thụy Sĩ  và Đức... rất nhiều người trong số họ là do trở về từ vùng dịch lớn nhất của châu Âu Italy - nơi có hơn 650 người nhiễm bệnh hiện nay. Đức và Pháp - 2 quốc gia châu Âu mấy ngày qua chứng kiến số trường hợp nhiễm mới tăng lên gấp đôi, với tổng cộng có 27 trường hợp tại Đức và 38 trường hợp tại Pháp. Anh hôm 28/2 cũng xác nhận có 19 trường hợp nhiễm virus, trong khi xuất hiện trường hợp nhiễm đầu tiên tại Na Uy, Lithuana…  

Trong bối cảnh trường hợp nhiễm bệnh đang tăng nhanh tại các nước châu Âu, đã có nhiều lời kêu gọi đóng cửa biên giới, hầu hết từ những người theo chủ nghĩa dân túy và cực hữu, vốn không ủng hộ chính sách đường biên giới mở của khối. Tuy nhiên, hiện chưa có nước châu Âu nào đưa ra bước đi quyết liệt để thực hiện điều này.

Cao ủy y tế của Liên minh châu Âu Stella Kyriakides cho biết, EU hay các nước thuộc khu vực Schengen vẫn chưa có ý định áp dụng kiểm tra biên giới để đối phó với dịch bệnh: “Chúng tôi xin nhấn mạnh vào thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn không thay đổi khuyến cáo về việc áp đặt giới hạn đi lại hay thương mại. Hiện các nước thành viên đang áp dụng các biện pháp đối phó với Covid-19. Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là bất cứ bước đi nào đưa ra cũng cần phải phối hợp, tìm ra một lập trường chung và thống nhất cho EU”.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu Andrea Ammnon cảnh báo, châu Âu cần phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, với việc các nước châu Âu khác có thể phải đối mặt với tình hình tương tự tại Italy. Tuy nhiên quan chức châu Âu này cũng không đề cập việc bắt đầu đóng cửa biên giới. Chuyên gia chính phủ các nước châu Âu đêù nhất trí rằng, đóng cửa biên giới trong khuôn khổ khối sẽ là phản tác dụng và biện pháp kiểm dịch là giải pháp được ưu tiên hơn.

Hầu hết các nước châu Âu đều là thành viên của khu vực Schengen, cho phép đi lại và hàng hóa qua biên giới mà không cần kiểm tra. Chính phủ các nước EU có thể đưa ra biện pháp kiểm soát tạm thời trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Tuy nhiên đến thời điểm này không có quốc gia Liên minh châu Âu nào thực hiện biện pháp này khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong chuyến thăm Italia hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần phải tham vấn thông tin từ các nhà khoa học liên quan đến vấn đề đóng cửa biên giới, đồng thời hối thúc sự hợp tác quốc tế và châu Âu để đối phó với bệnh dịch.

“Châu Âu đang phải đối mặt với dịch bệnh mà đòi hỏi sự cập nhật, thông tin liên tục và minh bạch. Tất cả chúng ta cần phải bình tĩnh. Cần có các ý kiến của chuyên gia và các nhà khoa học về diễn biến tình hình bệnh dịch cũng như biện pháp xử lý”.

Chính sách tự do đi lại và hàng hóa là một nền tảng của Liên minh châu Âu - được gọi tắt là "Schengen”, đã tạo ra một khu vực không cần xin thị thực nhập cảnh gồm 26 quốc gia hiện nay. Vốn được người châu Âu coi là một trong những thành tựu lớn nhất của khối này, nhưng chính sách này cũng thể hiện không ít mặt trái, trong đó có cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Dịch Covid-19 đang hoành hành tại châu Âu sẽ tiếp tục là lý do cho nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc muốn thắt chặt hoạt động biên giới, đặc biệt trong bối cảnh giới chức EU đang cố gắng chấn chỉnh và hồi sinh mục tiêu ấp ủ về các đường biên giới mở khi mối lo ngại về khủng bố và di cư đang giảm đi trong khu vực./.