Thông điệp ngày 16/3 đến từ nhóm nghiên cứu làm mô hình về lây lan của bệnh, cho thấy số người sẽ có thể chết.

Nhận thức này mới chỉ xảy ra trong vài ngày qua.

Tuy nhiên, lâu rồi, từ trước đó, các nhà khoa học khác và WHO đã cảnh cáo rủi ro nếu không quyết liệt ngăn virus (virus corona chủng mới- SARS-CoV-2).

Bằng chứng quan trọng đến từ các khoa học gia ở trường Imperial College London, những người lần đầu nhận ra tầm mức vấn nạn ở Trung Quốc. Lời khuyên của họ rất có ảnh hưởng với chính phủ Anh.

bac_si_jipp.jpg
Các bác sĩ ở Italy (Ảnh: Getty)

Họ đánh giá 3 chiến lược:

Triệt tiêu - bẻ gãy các mắc xích lây lan, cố gắng ngăn nạn dịch tận gốc, đưa số ca nhiễm xuống thấp nhất như Trung Quốc đã làm.

Kiềm chế - chấp nhận ta không thể ngăn virus corona, vì thế chỉ nên làm chậm quá trình lây lan, ngăn đỉnh dịch lên cao khiến y tế nhà nước quá tải, cố gắng bảo vệ những ai rủi ro nhất về bệnh tật. Đây có vẻ chính là chiến lược của Anh quốc tuần rồi.

Không làm gì hết - cứ để virus lây lan trong dân.

Mới thứ Sáu 13/3, cố vấn trưởng khoa học, Sir Patrick Vallance, giải thích kế hoạch Kiềm chế cho BBC.

"Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng giảm đỉnh dịch, mở rộng đỉnh, chứ không triệt tiêu hoàn toàn."

"Vì đa số dân bị bệnh nhẹ, mục tiêu là xây dựng miễn dịch cộng đồng để đa số dân sẽ miễn nhiễm trước bệnh này."

Nếu chiến lược Kiềm chế có hiệu quả, nó sẽ tránh các biện pháp cứng rắn mà các nước đã dùng, làm thành miễn dịch để giúp hạn chế bệnh lây lan.

Kiềm chế bao gồm một số chiến lược ngăn cách xã hội, còn Triệt tiêu thì gia tăng các biện pháp đó như có thể hạn chế đi lại, tăng thời gian cách ly.

Mô hình của các cố vấn khoa học dự báo nếu Anh không làm gì hết, 81% dân số sẽ nhiễm virus, và 510.000 sẽ chết trước tháng Tám.

Chiến lược Kiềm chế khả quan hơn nhưng cũng sẽ làm 250.000 người chết, làm y tế công quá tải.

Kinh nghiệm của Italy, và các ca đầu tiên ở Anh, đã khiến các nhà nghiên cứu có nhận thức mới.

Họ phân tích rằng ngay cả theo kế hoạch Kiềm chế lạc quan nhất, thì chăm sóc sức khỏe đặc biệt sẽ tăng lên ít nhất 8 lần.

Giáo sư Neil Ferguson, trưởng nhóm nghiên cứu ở Imperial, nói: "Ngay cả với các can thiệp đang dự tính và được thông báo tuần rồi, sẽ có rủi ro là đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải."

Báo cáo kết luận rằng "triệt tiêu hiện nay là chiến lược có thể đứng vững duy nhất".

Họ hy vọng sẽ hạn chế số người chết còn ở mức 20.000 hoặc ít hơn.

Chính phủ Anh luôn nói họ đi theo khoa học, trong khi khoa học đã thay đổi sâu sắc.

Thế là chúng ta sẽ nên chia tay các quán bia, club, nhà hát, làm việc ở nhà, cách ly toàn gia đình nếu bất kỳ ai trong nhà ốm.

Tuy nhiên, tiếp cận Triệt tiêu cũng có những vấn đề lớn.

Nó đòi hỏi đóng cửa nhiều phần trong xã hội, và nếu nhỡ kế hoạch gặp khó khăn, thì cũng không có lối thoát.

Số người bị nhiễm có thể ít hơn, nhưng dân số cũng sẽ ít miễn dịch, và các ca bệnh sẽ lại sớm tăng lên sau khi các biện pháp này dỡ bỏ.

Đó là khó khăn mà Trung Quốc nay đối mặt. Nghiên cứu cho rằng 95% dân ở Vũ Hán, vào cuối tháng Giêng, vẫn có nguy cơ nhiễm virus.

Báo cáo của nhóm khoa học Anh nói chúng ta phải đợi khoảng 18 tháng để có vaccine, nhưng thời gian đó cũng chưa chắc chắn hoàn toàn.

Tức là chúng ta có thể ở trong tình trạng hiện nay rất lâu.

Cũng cần nhấn mạnh toàn bộ chuyện này chỉ dựa vào các mô hình toán học.

Chúng đặt ra các giả định, không hoàn hảo, và chưa chắc hoàn toàn chính xác.

Virus chỉ mới có từ tháng 12, và chúng ta còn đang cố mà hiểu nó.

Nhưng Tiến sĩ Adam Kucharski, một nhà khoa học khác không ở trong nhóm Imperial, nói: "Không có giải pháp đơn giản."

"Không thể giải quyết nó mà không có những đau đớn nghiêm trọng"./.