Diễn biến dịch bệnh Zika đang có chiều hướng phức tạp hơn khi số trường hợp nhiễm bệnh gia tăng cũng như những phát hiện mới cho thấy, các tác động nghiêm trọng của virus đến sức khỏe con người.

zika_offl.jpg
Muỗi Aedes- tác nhân chính gây lây nhiễm dịch bệnh Zika. Ảnh Reuters

Virus Zika được biết đến gây ra chứng bệnh đầu nhỏ đối với trẻ em khi bà mẹ nhiễm loại virus này trong thời kì mang thai. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu Pháp hôm qua cảnh báo, virus Zika cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với não của người trưởng thành. 

Tuyên bố được đưa ra sau khi các nhà khoa học tìm thấy virus Zika trong dịch não tủy của một người đàn ông 81 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê và liệt một phần-với chẩn đoán viêm màng não. 

Nhóm nghiên cứu cho rằng, sự hiện diện của virus Zika trong dịch não tủy chưa thể chứng minh virus này là nguyên nhân gây bệnh viêm màng não, nhưng các nguyên nhân do vi khuẩn hay virus đã bị loại bỏ. 

Những phát hiện mới về tác động của virus Zika đang lây lan với tốc độ nhanh khiến các nước lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, có 41 nước và vùng lãnh thổ thông báo trường hợp lây nhiễm Zika trong biên giới từ năm ngoái. Trong đó, Brazil ảnh hưởng mạnh nhất của dịch Zika với 1,5 triệu người nhiễm bệnh và 745 trường hợp mắc chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ em. 

Trước chiều hướng bệnh diễn biến phức tạp và nguy hiểm, các nước bắt đầu thông báo các nguồn tài chính lớn nhằm ngăn chặn bệnh dịch và nghiên cứu vaccine. Các quan chức y tế Mỹ ngày 10/3 thông báo, số trường hợp nhiễm virus Zika hiện là 200 trường hợp. 

Tất cả đều do lây nhiễm từ nước ngoài. Các quan chức y tế nước này kêu gọi Quốc hội hỗ trợ 1,9 tỷ USD để đối phó với virus tại Mỹ Latinh và giúp ngăn chặn virus lan rộng. Bộ Y tế Brazil ngày 10/3 cũng cho biết, viện nghiên cứu sinh học nước này đang nhận khoản quĩ khoảng 2,8 triệu USD để hỗ trợ các nghiên cứu  vaccine đối phó với virus Zika. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, việc nghiên cứu vaccine phòng chống virus Zika có thể trở nên quá muộn để đem lại hiệu quả trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh đang hành hoành mạnh hiện nay tại Mỹ Latin. 

Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới  Marie-Paule Kieny cho biết: “Việc phát triển vaccine hiện với chỉ ở giai đoạn đầu và các ứng cử viên tốt nhất trong việc được cấp bằng sáng chế hiện vẫn còn vài tháng để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm trên người. Do đó khả năng vaccine có thể được áp dụng vào thời điểm quá trễ so với thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên việc phát triển vaccine vẫn cấp bách, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ”. 

Tổ chức Y tế Thế giới tuần tới sẽ tổ chức cuộc họp của các chuyên gia  hàng đầu thế giới để xác định những phương pháp mới có thể được áp dụng một cách an toàn và hiệu quả chống loại muỗi lây truyền virus Zika. 

Những biện pháp này bao gồm thả một lượng lớn muỗi đực đã biến đổi gien để ngăn chặn quá trình sinh sản hay các muỗi nhiễm bệnh được cấy loại vi khuẩn ngăn chặn trứng muỗi nở và làm giảm khả năng lây truyền virus. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tiếp tục khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên đến những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Zika./.