Trong những ngày qua, thảm kịch 39 người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng trong chiếc xe container đông lạnh tại hạt Essex của Anh đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Những chiếc xe tải chở người trốn bên trong container dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng khi xuất phát từ các nước Châu Âu khác đến Anh đã gióng lên một hồi chuông báo động về các chính sách nhập cư của toàn Châu Âu.

39_thi_the_htga.jpg
Thảm kịch 39 thi thể trong container khiến cả thế giới bàng hoàng. Ảnh" Pigeon Express

Nạn buôn người: "chân rết" ở mọi quốc gia

Báo chí Anh ngày 28/10 đồng loạt đăng tải thông tin, nghi phạm Maurice Robinson - tài xế 25 tuổi lái xe container chứa 39 thi thể ở Anh là thành viên của một băng nhóm buôn người toàn cầu. Băng nhóm này tạo điều kiện cho việc di chuyển số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh trong rất nhiều năm qua nhưng chưa bị phát hiện.

Theo Cơ quan kiểm soát tội phạm quốc gia Anh (NCA), mạng lưới buôn người này có "chân rết" tại nhiều quốc gia và hoạt động xuyên biên giới, khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát.

Bộ trưởng Nội địa Đức Horst Seehofer đã lên tiếng cảnh báo, châu Âu có thể mất kiểm soát đối với vấn đề nhập cư nếu không có sự phối hợp về thông tin.

“Nếu chúng ta tách rời tất cả các nước ra khỏi đường biên giới của Liên minh Châu Âu, chúng ta sẽ không bao giờ có một chính sách tị nạn chung của khối. Nếu không có chính sách tị nạn chung của EU, thì điều nguy hiểm là chúng ta sẽ mất kiểm soát đối với dòng người tị nạn thêm một lần nữa. Chúng ta muốn hạn chế nhập cư và muốn nó được tiến hành có trật tự”, ông Seehofer nói.

Cuộc khủng hoảng nhập cư của EU kể từ năm 2015 đến nay cho thấy sự thiếu thống nhất trong các chính sách nhập cư của khối này. Nhiều nước thành viên từ chối áp dụng hạn ngạch nhập cư, ngày càng thắt chặt cơ hội cho những người di cư được nhập cảnh, trong khi dòng người đến Châu Âu ngày càng gia tăng.

Mỗi ngày, vẫn có hàng trăm người luôn tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau, từ trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có "chính sách mềm" với người nhập cư tại EU. Dù vậy, tất cả đều hiểu viễn cảnh tồi tệ nhất là bị bắt giữ, đưa vào trại tị nạn, bị phạt tiền rất nặng, hay nặng nhất là bị bỏ tù, rồi trục xuất.

Châu Âu có phải là "miền đất hứa"?

Châu Âu vẫn luôn được tin là "vùng đất đổi đời" với những người di cư. Họ hy vọng sẽ đến được các quốc gia có chính sách chào đón, thậm chí hỗ trợ người di cư xây dựng cuộc sống ổn định. Ở châu Âu, sử dụng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường lao động, với chi phí thấp hơn so với thuê lực lượng lao động bản địa. Mặt khác, tỷ lệ sinh ở châu Âu cũng đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa không thể hoặc không muốn làm. Do vậy, ngày càng nhiều người nhập cư đã tìm cách vượt biên vào châu Âu cùng giấc mơ đổi đời.

Thế nhưng, song song với những “chính sách mềm” đối với người nhập cư, thì hệ thống chính sách nhập cư vào châu Âu lại là mang tính khắt khe nhất toàn cầu. Con đường nhập cư chính thức vào các nước châu Âu thường phải mất nhiều năm đi kèm với những rào cản phức tạp về pháp lý, do đó, người di cư buộc phải chọn cách bất hợp pháp.

Tờ The Guardian của Anh trước thảm kịch tại Essex đã đặt ra một câu hỏi: Liệu những chính sách nhập cư khắt khe, những hành động tiếp nhận di dân dè dặt và cả những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của EU có phải là một phần lý do khiến hàng triệu người chấp nhận dấn thân vào những hành trình dài và nguy hiểm hơn, để tự tìm cơ hội đến nơi mà họ coi là "vùng đất hứa"?

Tổ chức ủng hộ quyền lợi nhập cư Pro Asyl của Đức cũng kiến nghị Liên minh châu Âu nên chịu một phần trách nhiệm về những người đã thiệt mạng. Giám đốc của Pro Asyl, ông Günter Burkhardt nhận định rằng "Nếu các chính sách ủng hộ việc đóng cửa đường tới EU với người tị nạn thì đó cũng là một 'đồng phạm' trong việc đẩy người nhập cư và người tị nạn vào tay những kẻ buôn người". Và khi đó, thảm kịch tại Essex có thể sẽ không phải là cuối cùng./.