Ngủ ở nhà tắm, trên sàn bệnh viện

Theo Guardian, các bác sỹ, nhân viên y tế tại Ấn Độ tham gia chống Coivd-19 đang phải đối mặt với sự kỳ thị ngày một gia tăng do lo ngại họ có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

an_do_1_gqpp.jpg
Bác sỹ Ấn Độ làm việc tại trung tâm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Kolkata. Ảnh: REX

Cụ thể, đã có rất nhiều vụ việc các bác sĩ, nhân viên y tế của nước này bị từ chối đi taxi, ngăn cản không cho về nhà khiến họ buộc phải ngủ trong nhà vệ sinh hoặc sàn bệnh viện.

Một bác sĩ xin giấu tên do lo ngại gặp rắc rối cho biết, 2 đồng nghiệp của ông đã xin ngủ nhờ nhà mình sau khi chủ nhà trọ của 2 người này có thái độ ngày càng hằn học với họ khi biết họ tham gia chống dịch Covid-19 và thậm chí đã ép họ phải rời khỏi nhà trọ.

“Ông chủ nhà trọ nói rằng, họ là những người làm việc trong bệnh viện vì thế họ có thể mang bệnh tật về nhà và gieo rắc nó cho những người khác. Rất nhiều bác sỹ ở Ấn Độ cũng đã than phiền về tình trạng nói trên. Một số bác sỹ đã quyết định ở lại bệnh viện, ngủ trong nhà vệ sinh hoặc trên sàn nhà vì không thể trở về nhà và không dám đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng”.

Một y tá 38 tuổi làm việc tại một bệnh viện ở Kolkata, kể lại, bà bị chủ nhà trọ chặn ngay trước cửa nhà và yêu cầu bà cùng 2 đứa con còn nhỏ tuổi phải rởi khỏi nhà trong 24 giờ dù bà từng thuê trọ ở đây suốt 7 năm trời. Sáng hôm sau, bà chủ nhà quay lại cùng 2 người đàn ông khác gây sức ép buộc nữ y tá nói trên phải rời đi ngay dù bà đã giải thích rằng bà không điều trị cho bất kỳ bệnh nhân mắc Covid-19 nào.

“Bà ấy không chịu nghe tôi nói”, nữ y tá chia sẻ: “Bà ấy nói với tôi rằng, chắc chắn phải có bệnh nhân mắc Covid-19 chỗ cô làm việc, rằng ai cũng biết virus có thể "di chuyển" trong không gian và lây bệnh cho những người xung quanh. Đó là lý do tại sao hàng nghìn người trên thế giới mắc bệnh và tử vong. Bà ấy yêu cầu tôi phải rời khỏi nhà ngay lập tức”.

Nữ y tá này cho biết, bà và các con phải chuyển đến sinh sống cùng mẹ cùa bà tại một căn nhà chỉ có một phòng duy nhất có diện tích hơn 9m2 trong một khu ổ chuột. “Năm người chúng tôi phải chui rúc trong một căn phòng nhỏ. Tôi làm việc tới 12 tiếng/ngày tại bệnh viện nên rất mệt mỏi và giờ lại phải tìm kiếm chỗ ở mới. Nhưng nếu họ biết tôi làm y tá tại một bệnh viện lớn trong thành phố, sẽ chả ai cho chúng tôi thuê nhà cả”, nữ y tá chia sẻ.

Một số nhân viên y tế tại các bệnh viện tư cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Bà Kajori Haldar, 48 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Calcutta, cho biết, những người hàng xóm đã tới gặp chồng bà và nói thẳng rằng họ sẽ không cho bà trở về nhà trong vòng 3 tháng tới do lo ngại bà có thể “mang virus SARS-CoV-2” lây nhiễm trong cộng đồng.

“Khi không phải làm việc, tôi sẽ tìm chỗ nào đó đủ để trải tấm vải nhựa và nghỉ ngơi ở đó”, bà Kajori Haldar nói: “Giờ những nơi đó trở thành căn nhà tạm của tôi”.

Để tránh rơi vào tình trạng này, bà Saraswati Naskar, 40 tuổi, làm việc tại một bệnh viện công ở Ấn Độ cho biết, bà phải nói dối hàng xóm là đang làm việc cho một nhà hàng. “Tôi biết rất nhiều y tá và các nhân viên y tế đã không còn có thể trở về nhà và phải ngủ vật vạ quanh bệnh viện”.

Đơn cầu cứu của Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ gửi Chính phủ nước này. Ảnh: ANI

Cầu cứu Chính phủ

Tình trạng trên trở nên ngày càng nghiêm trọng đến mức các bác sỹ tại Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ đã phải viết đơn cầu cứu Chính phủ nước này. Trong đơn có đoạn: “Rất nhiều bác sỹ đã bị đẩy ra đường cùng hành lý của họ. Họ không biết phải đi đâu nữa”. Điều này đã khiến giới chức Delhi và Tây Bengal phải ra lệnh áp dụng các biện pháp cứng rắn với những người có hành vi đe dọa các nhân viên y tế.

Dù vậy, cuộc sống vẫn không hề trở nên dễ dàng hơn với các nhân viên y tế tham gia cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ. Bác sĩ Arghyadeep Ganguly làm việc tại Bệnh viện các bệnh truyền nhiễm Beleghata ở Kolkata, kể lại, ông từng bị tới 7 lái xe taxi từ chối cho đi xe khi họ biết nghề nghiệp của ông.

“Một vài đồng nghiệp của tôi bị yêu cầu rời khỏi nhà trọ hoặc chấp nhận nộp thêm tiền nếu muốn ở lại nhà. Dường như người dân Ấn Độ đang tìm mọi lý do để kỳ thị hoặc chống lại những nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19”, bác sĩ Arghyadeep Ganguly chia sẻ.

Có thể thấy, khi dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng tại Ấn Độ và khiến hơn 1.000 người mắc bệnh, sự sợ hãi dịch bệnh này cũng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại những khu vực đông dân cư và các y, bác sỹ vô tình trở thành mục tiêu bị chỉ trích và kỳ thị.

Dù vậy, tình trạng này đã có dấu hiệu được cải thiện vào cuối tuần qua sau khi hàng triệu người dân Ấn Độ hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi đã đổ ra ban công các tòa nhà gõ trống, khua chiêng để bày tỏ lòng biết ơn và hoan nghênh các y, bác sỹ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Điều này giúp các y, bác sỹ, nhân viên y tế Ấn Độ ấm lòng hơn và có quyền hy vọng rằng, những định kiến sai trái về công việc của họ sẽ sớm bị xóa bỏ và họ có thể yên tâm tập trung tốt nhất cho nỗ lực ngăn chặn Covid-19 tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này./.