Sau nhiều lần trì hoãn, hội nghị hòa bình lần thứ hai về Syria, còn gọi là hội nghị Geneva 2 đã được khởi động tại Thụy Sỹ dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Mặc dù chưa có nhiều kỳ vọng vào hội nghị lần này, song việc chính phủ và phe đối lập nhất trí tiến hành cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong hai ngày, hôm nay và ngày mai, là tín hiệu cho thấy hai bên đã có "thiện chí đàm phán".

Phe đối lập cho biết, chính phủ Syria đã nhất trí thảo luận việc thực hiện một số nội dung trong thỏa thuận đạt được tại hội nghị Geneva 1.

assad%20lang%20nghe.jpg
Đương kim Tổng thống Syria al-Assad (ảnh: timeslive)

Phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi cho biết, Chính quyền và phe đối lập Syria đã đồng ý đàm phán trực tiếp nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo dài gần 3 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva hôm qua (24/1), ông Brahimi cho biết, ông đã gặp riêng rẽ các đoàn của Chính phủ và phe đối lập. Ông Brahimi xác nhận, việc hai bên nhất trí "ngồi vào cùng một phòng" để đàm phán về hòa bình trong ngày hôm nay, chậm hơn kế hoạch một ngày. Ông Brahimi hy vọng không bên nào rút khỏi bàn đàm phán, và các cuộc hòa đàm "với sự khởi đầu tốt đẹp" sẽ kéo dài đến cuối tuần tới.

Ông Brahimi nhấn mạnh: “Không ai muốn khủng bố tiếp tục hoạt động tại Syria. Không ai muốn điều đó trừ những kẻ khủng bố. Điều quan trọng hơn tất cả lúc này là cần cứu Syria khỏi hiểm họa khủng bố”. 

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc cho rằng, Chính quyền và phe đối lập ở Syria đã nhận thức rõ những hiểm họa có thể xảy ra trong tương lai, và tiến trình đàm phán đã có những dấu hiệu đáng khích lệ, tuy những vấn đề cụ thể vẫn chưa được đề cập.Các nguồn tin ngoại giao cho biết, tại cuộc gặp trực tiếp ngày 25/1, các bên mới chỉ đề cập một số vấn đề như vấn đề cứu trợ nhân đạo cho người dân tại những khu vực xung đột nghiêm trọng nhất như Homs ở miền Trung, chưa thể thảo luận về một thỏa thuận chính trị toàn diện. Theo người phát ngôn của Liên minh Dân tộc đối lập Syria, được phương Tây hậu thuẫn - chính phủ đã nhất trí rằng, các cuộc đàm phán giữa hai bên có thể tìm kiếm khả năng thực hiện thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Geneva 1 năm 2012.

Phát biểu với báo giới, ông Louay Safi - người phát ngôn Liên minh Dân tộc Syria cho biết: “Họ đã nhất trí rằng các cuộc đàm phán cần dựa trên việc thực hiện thỏa thuận khung Geneva gồm 6 điểm. Cụ thể là trả tự do cho tù nhân chính trị, mở các hành lang nhân đạo, tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận tất cả các khu vực ở Syria. Chúng tôi hy vọng chính phủ Syria sẽ nghiêm túc trong vấn đề này”.

Quan chức thuộc Liên minh Dân tộc đối lập Ahmad Ramadan cho biết các cuộc đàm phán trong ngày hôm nay và ngày mai tập trung vào tình hình tại thành phố Homs - nơi hàng trăm gia đình đang sống trong điều kiện vật chất khó khăn và gần như phải hứng chịu bom đạn hàng ngày.

Hội nghị hòa bình Geneva 1 đạt được năm 2012 kêu gọi thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria, nhưng không đề cập vai trò trong tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây cũng chính là điểm mâu thuẫn chủ yếu giữa chính phủ và phe đối lập trong các cuộc đàm phán hiện nay.

Song, việc chính phủ và phe đối lập tạm thời gạt sang một bên bất đồng gay gắt này để có thể “ngồi vào cùng một phòng họp” cho thấy hai bên đã "có thiện chí" đàm phán và nhận thức rõ được thảm họa mà chính họ đang phải gánh chịu hiện nay./.