Theo các báo cáo, hòn đảo mới nổi lên do trận động đất, cách khoảng 600 mét ngoài khơi của bờ biển Gwadar, phát ra khí metan.

Một người đàn ông sống gần bờ biển đã gửi tin nhắn cho Bahram Baloch, một nhà báo địa phương rằng “một ngọn đồi đã xuất hiện bên ngoài ngôi nhà của tôi”.

Theo các tin nhắn, người dân này đã rất kinh ngạc và miêu tả hòn đảo có hình vòm và như một con cá voi khổng lồ. Rất nhiều người đã tụ tập để xem.

dao%20pakistan.jpg
Mọi người đi bộ trên hòn đảo mới nổi (ảnh: PressTV)

Sáng 25/9, nhà báo Baloch và một số người bạn đã đến thăm hòn đảo và chụp ảnh. Nhà báo này cho biết: “có cá chết trên bề mặt hòn đảo. Chúng ta có thể nghe thấy âm thanh của khí thoát ra trên bề mặt hòn đảo”.

Baloch và bạn bè của ông đã lấy mẫu thử từ những vết nứt mà khí metan thoát ra và đặt chúng trên ngọn lửa. Ông nói rằng: “Chúng tôi đã dập lửa nhưng rất khó khăn. Thậm chí nước cũng khó dập được ngọn lửa trừ khi bạn đổ nhiều xô nước vào nó”.

Muhammad Danish, một nhà sinh học hải dương đến từ Viện Hải dương học Pakistan cho biết, một nhóm các chuyên gia đã lên hòn đảo hôm 24/9 và tìm thấy có khí metan thoát ra.

Danish cho biết: “nhóm của chúng tôi đã thấy bọt nổi lên từ bề mặt của hòn đảo. Bọt khí này có thể gây cháy. Chúng tôi đã cấm lửa. Đó chính là khí metan”.

Rashid Tabrez, Tổng giám đốc của Viện Hải dương Quốc gia nói: “Đáy biển gần bờ biển Makran có một số lượng lớn các lớp trầm tích khí hydrat hoặc khí nén có hàm lượng metan lớn”.

Những lớp khí nén lại thành một lớp trầm tích dày khoảng 300-800 mét.

Tabrez giải thích: “khi các lớp này di chuyển sai vị trí, chúng tạo ra nhiệt và gây nổ khí thông qua các vết nứt của bề mặt trái đất và đẩy đáy biển lên mặt nước”.

Ông cũng nói rằng hòn đảo mới nổi này là hòn đảo thứ 4 nổi lên trong khu vực kể từ năm 1945./.