Trong số 265 người thiệt mạng, có 161 người là thường dân và cảnh sát, 104 người thuộc lực lượng đảo chính. Bên cạnh đó, 2.800 tướng lĩnh và binh sỹ đã bị bắt, hơn 1.100 người bị thương.

Ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thông báo, cuộc đảo chính đã bị dập tắt và tuyên bố sẽ thanh lọc, trừng trị những kẻ âm mưu tiến hành đảo chính quân sự. 

binh_si_tho_1_nowb_spop.jpg
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong sự kiện đảo chính vừa qua ở nước này. Ảnh: EPA.

Cùng ngày, Tổng thống Erdogan kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama trục xuất hay giao nộp cho nước này giáo sĩ Hồi giáo Fethulla Gulen, người được cho là chỉ đạo vụ đảo chính. 

Giáo sĩ  Fethulla Gulen, 75 tuổi, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999 sau khi bị chính quyền Ankara kết tội phản quốc.

Về phía Mỹ cho biết, Mỹ sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ bằng chứng hợp pháp nào cho thấy giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đằng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, mọi việc cần phải được xử lý một cách bình tĩnh, thận trọng để đối phó những âm mưu lật đổ chính quyền.

Ngoại trưởng Kerry đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ được bầu của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Ông Kerry nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh chiến lược, một đối tác quan trọng của Mỹ và NATO trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông./.