Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, việc trừng phạt những người chịu trách nhiệm và liên quan đến cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua cần phải được thực hiện theo các quy định của luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

tho_nhi_ky_rjfv.jpg
Một người Thổ Nhĩ Kỳ bị thương khi tham gia biểu tình phản đối đảo chính. Ảnh AP

“Cuộc đảo chính vừa qua là một bi kịch làm rất nhiều người thiệt mạng. Cần phải dừng lại ngay tình trạng bạo lực gây đổ máu. Đức luôn ủng hộ những người bảo vệ dân chủ và pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôi cho rằng, không ai khác vẫn là người dân Thổ Nhĩ Kỳ được quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước mình thông qua bầu cử tự do và bất kỳ sự  thay đổi chính trị nào phải thực hiện trong khuôn khổ của các quy tắc dân chủ và phải được Quốc hội thông qua”, bà Merkel nói.

Trước tình hình phức tạp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức kêu gọi công dân nước này theo dõi thường xuyên thông tin của Bộ Ngoại giao Đức, những diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt thận trọng trong việc đi lại.

Thủ tướng Merkel cho biết, trong trường hợp khẩn cấp, quân đội Đức đang làm việc tại căn cứ quân sự Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tất cả các công dân Đức. Trước đó cùng ngày, trong tuyên bố chung, Ủy viên phụ trách về an ninh và đối ngoại  Federica Mogherini và Ủy viên phụ trách về vấn đề mở rộng chính sách láng giềng Johannes Hahn của Liên minh châu Âu kêu gọi cảnh sát và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong khi làm nhiệm vụ tránh gây thêm thương vong. Theo giới chức EU, mọi căng thẳng trong xã hội chỉ có thể được giải quyết thông qua một tiến trình dân chủ.

Từ Washington, trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, cập nhật về tình hình tại Ankara sau vụ đảo chính, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Chính quyền của Tổng thống Erdogan tôn trọng các quy định pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề sau cuộc chính biến vừa qua.

Tổng thống Obama nhấn mạnh, "nhu cầu sống còn” đối với “tất cả các bên” là hành xử trong phạm vi của phát luật để tránh các hành động làm leo thang căng thẳng và bạo lực.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đảo chính và đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp những chứng cứ mà nước này nghi ngờ giáo sĩ Hồi giáo Gulen, đang lưu vong ở Mỹ, đứng đằng sau cuộc nổi dậy bất thành..Theo thông tin mới nhất, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính từ đêm 15/7 sang ngày 16/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới gần 300 người và đây chưa phải là con số cuối cùng do trong số gần 1500 người bị thương có nhiều người đang nguy kịch.

Chính quyền Ankara cho biết, đã có hơn 2.840 người bị tình nghi bao gồm tướng lĩnh và binh sĩ bị bắt giữ, đồng thời tuyên bố đã hoàn toàn kiểm soát tình hình trên khắp cả nước./.