Người dân Afghanistan vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ khủng bố đẫm máu xảy ra sáng 31/5 nhằm vào một trong những khu vực được xem là an ninh nhất ở thủ đô Kabul, nơi tập trung nhiều Đại sứ quán, trụ sở các Bộ, Ngành và dinh Tổng thống. Theo số liệu thống kê mới nhất, vụ tấn công đã làm ít nhất 90 người thiệt mạng và gần 400 người khác bị thương.
Vụ nổ xảy ra đúng giờ cao điểm khi các nhân viên công sở bắt đầu đi làm, một chiếc xe ô tô cài bom đã phát nổ ngay trước lối vào “khu vực Xanh”, được đảm bảo an ninh gần như nghiêm ngặt nhất ở thủ đô Kabul.
Đây là nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài như Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Đức. Theo Bộ Nội vụ Afghanistan, vụ nổ có sức công phá lớn, đã tạo ra một hố sâu tới 4m, làm hàng chục ô tô quanh đó bị hư hại. Cửa kính tại những khu vực cách đó bán kính 1km đều bị vỡ.
Vụ tấn công xảy ra đúng 5 ngày trước khi bắt đầu tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo và đây cũng là thời điểm mà các nhóm nổi dậy tại Afghanistan, trong đó có nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường gia tăng các vụ tấn công.
Phái bộ hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan, với 13.500 binh sĩ, trong đó hơn 8.000 là binh sĩ Mỹ đã lên án mạnh mẽ thủ phạm vụ tấn công, gọi chúng là “những kẻ đạo đức giả” khi nhiều lần tuyên bố chỉ nhằm vào các mục tiêu của lực lượng an ninh Afghanistan và quân đội nước ngoài song lại vẫn tiếp tục gây thương vong và đau khổ cho những người dân Afghanistan vô tội, đồng thời nhấn mạnh, vụ tấn công đã cho thấy bản chất dã man của những kẻ khủng bố.
Đối với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, vụ tấn công này là một “tội ác chiến tranh”.
“Tôi xin bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân sau vụ tấn công này. Đây là một hành động tàn bạo, một sự kiện đau thương và đáng bị lên án trong tháng lễ Ramadan”, ông Ghani nhấn mạnh.
Hiện vẫn chưa có tổ chức nào thừa nhận thực hiện vụ tấn công.
Có thể nói tình hình an ninh hiện nay tại Afghanistan khá hỗn loạn. Chính phủ đã mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, trong khi các nhóm phiến quân và khủng bố lại đang hoạt động ngày càng mạnh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện có tới 8 triệu người Afghanistan phải sống trong những khu vực do nhóm phiến quân Taliban kiểm soát, tức là gần 1/4 dân số nước này. Con số này năm 2016 là 3,4 triệu người.Hé lộ nghi phạm đánh bom đẫm máu ở Kabul - Mạng lưới Haqqani
Ngoài Taliban, từ năm 2015, Afghanistan cũng chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hoạt động tại nước này dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo của Khorosan - khu vực trước đây bao gồm Afghanistan, một phần Iran, Pakistan và Trung Á.
Nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn của cả quân đội Afghanistan và NATO tiến hành đã được phát động nhằm đẩy lùi các nhóm nổi dậy, song đều chưa thu được kết quả rõ rệt. Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có 36 nhân viên an ninh Afghanistan thiệt mạng hoặc bị thương. Trong năm 2016, số lượng thương vong dân sự chưa bao giờ cao như thế kể từ các cuộc điều tra được Liên Hợp Quốc tiến hành năm 2009.
Trung tâm nghiên cứu phân tích mạng (AAN), có trụ sở tại thủ đô Kabul hôm 23/5 vừa qua công bố một nghiên cứu, trong đó nhận định các nhóm nổi dậy có thể thay đổi chiến thuật, tấn công chớp nhoáng và di chuyển mục tiêu tới các trung tâm đô thị. Cảnh báo đưa ra chỉ tám ngày trước khi diễn ra vụ đánh bom ở Kabul.
Trong chuyến thăm Afghanistan hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận năm 2017 này sẽ là một năm khó khăn đối với quân đội Afghanistan và quân đội nước ngoài, trong khi Tướng Nicholson, chỉ huy của lực lượng NATO tại Afghanistan kêu gọi tăng cường thêm hàng nghìn binh lính tới khu vực.
Dự kiến ngày 9/6 tới, Afghanistan sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình, an ninh và hòa giải với sự tham dự của gần 20 nước và tổ chức quốc tế. Theo kế hoạch, hợp tác chống khủng bố sẽ là một trong những vấn đề chủ chốt được thảo luận./.Sốc: Bom nổ phá nát bê tông, thiêu rụi ô tô và làm chết gần 100 người