Theo dữ liệu mới cập nhật từ Bộ Y tế Singapore ngày 27/7, đã có 136 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 55 ca không rõ nguồn lây. Tổng số ca không rõ nguồn lây ở Singapore hiện đã tăng lên 182 trường hợp trong tuần qua so với con số 46 ca một tuần trước đó.
Trong khi nhiều ca mắc ban đầu không rõ nguồn lây nhưng sau đó đã tìm được nguồn lây thì "chúng tôi dự đoán rằng sẽ có nhiều ca không rõ nguồn lây hơn vì một vài lý do", Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao của Khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia cho hay.
Giáo sư Fisher, người cũng là chủ tịch Mạng lưới Cảnh báo và Đáp ứng Dịch bệnh toàn cầu của WHO cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tổng số ca mắc là do việc theo dõi tiếp xúc đang diễn ra "chậm hơn".
Tổng số ca mắc Covid-19 ở Singapore đã tăng 50% trong tuần qua so với tuần trước đó. Với 902 ca có liên hệ, Cảng cá Jurong hiện là ổ dịch lớn nhất quốc gia này.
Giáo sư Fisher cho biết, một nguyên nhân khác dẫn đến sự gia tăng số ca mắc là do có "nhiều virus ở xung quanh hơn".
"Điều đó tức là sẽ có nhiều bề mặt bị nhiễm bẩn hơn và vì thế sẽ có sự tiếp xúc gián tiếp giữa mọi người".
Chuyên gia này cũng nhận định, một số người vẫn có khả năng lây lan virus cho dù họ ở tình trạng tiền triệu chứng hay chỉ có những triệu chứng rất nhẹ.
Những ca không rõ nguồn lây là những ca mà không rõ bệnh nhân đã lây bệnh ở đâu và như thế nào, Giáo sư Fisher cho hay.
"Đó có thể là một người không tới bất kỳ địa điểm nào có liên quan đến các chùm ca nhiễm cũng như không sống cùng với ca mắc Covid-19 nhưng khi xét nghiệm thì họ lại có những triệu chứng nhẹ. Rõ ràng, họ đã lây nhiễm virus từ ai đó nhưng chúng ta không thể xác định được sự liên hệ này".
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm và Vi sinh học châu Á - Thái Bình Dương, Giáo sư Paul Tambyah cho rằng số lượng các ca không rõ nguồn lây này là một "mối lo ngại" bởi nó phản ánh sự xuất hiện của những chùm ca mắc mới. Tuy nhiên, đó cũng có thể là do thách thức của việc xác định nguồn lây nhiễm khi số ca mắc hàng ngày tăng cao.
"Điều đó tức là có quá nhiều ca mắc hàng ngày tới nỗi đội ngũ truy vết khó có thể nhanh chóng tìm ra sự liên hệ giữa các ca", chuyên gia này đánh giá.
Giáo sư Tambyah cho rằng có những thách thức trong việc kiểm soát tình hình bởi trong số những chùm ca nhiễm lớn sẽ luôn có một số lượng lớn những người khó có thể truy vết họ.
"Như vậy, những hướng tiếp cận mới cần được cân nhắc để đảm bảo những người này sẽ không tạo ra những chùm ca nhiễm mới tại các địa phương khác".
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, chùm ca nhiễm liên quan đến các quán karaoke KTV bùng phát hôm 12/7 đã "được kiểm soát" khi số ca mắc hàng ngày có liên hệ đến nó đều ở mức thấp.
Giáo sư Tambyah cũng khẳng định, tình hình hiện nay đã khác so với năm ngoái bởi "chúng ta có những vaccine hiệu quả và điều đó tức là nguy cơ xuất hiện những ca bệnh nặng và ca tử vong cũng sẽ giảm đáng kể".
"Cuối cùng, cùng với nhiều quốc gia, chúng ta phải nhận ra rằng virus này sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu, giống như tất cả đại dịch khác trong lịch sử. Trọng tâm sau đó nên là bảo vệ những người dễ tổn thương và duy trì khả năng của hệ thống y tế thay vì cố gắng hướng tới mục tiêu không Covid, về mặt thực tế vốn không thể thực hiện nếu không trả một cái giá đắt về kinh tế, sức khỏe tinh thần và tác động nghiêm trọng đến phần còn lại của hệ thống y tế"./.