Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đồng chủ trì các cuộc đàm phán. Cuộc đàm phán ngày thứ nhất được nhận định là tích cực, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng về những điểm cơ bản.
Các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Trung Quốc hôm nay (15/2) bước vào ngày họp thứ 2 với những bước tiến tích cực những vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Ảnh: Reuters |
Đây là vòng đàm phán thương mại cấp caolần thứ hai giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại trước thời hạn chót là ngày 1/3. Phát biểu sau ngày họp đầu tiên, Cố vấn kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow cho biết, các cuộc đối thoại ở Trung Quốc diễn ra tốt đẹp. Hai bên sẽ tiếp tục bước vào ngày đàm phán thứ 2. Đại diện thương mại và Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau các cuộc đàm phán hôm nay. Bộ Thương mại Trung Quốc chưa có bình luận về kết quả ngày đàm phán đầu tiên.
Những nhận định tích cực của Cố vấn kinh tế Nhà Trắng dường như trái với những nhận định từ truyền thông phương Tây, dẫn các nguồn thạo tin cho biết hai bên vẫn còn bất đồng về những vấn đề cơ bản.
Theo đó, Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc chuyển giao bắt buộc các bí mật thương mại đối với các công ty Mỹ, từ bỏ trợ cấp công nghiệp và thực hiện các quyền về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Tạp chí Phố Wall cho biết, các đề xuất mới nhất từ nhóm đàm phán Trung Quốc lần này vẫn không giải quyết được yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc cũng khẳng định thực hiện chương trình trợ cấp công nghiệp tuân thủ các qui tắc của Tổ chức thương mại thế giới, chấm dứt các hành động có thể gây bất ổn thị trường. Nhưng việc Trung Quốc không đưa kế hoạch chi tiết thực hiện mục tiêu đó đã vấp phải sự hoài nghi của các nhà đàm phán Mỹ.
Một chuyên gia phân tích của hãng tin Bloomberg - ông Shawn Donnan theo dõi đàm phán nhận định: “Theo các nguồn tin của chúng tôi từ những người tham gia trực tiếp đàm phán cho thấy hai bên vẫn bất đồng về các vấn đề cơ bản và có thể phủ bóng lên ngày đối thoại thứ 2. Cũng có thông tin cho thấy khả năng Trung Quốc và Mỹ có thể cân nhắc gia hạn thêm 60 ngày sau hạn chót ngày 1/3 tới. Điều này cho thấy cả hai bên đều phải nhìn nhận thực tế rằng các cuộc đàm phán đang rất phức tạp và có thể mất thêm nhiều thời gian”.
Mỹ và Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán trước thềm hạn chót đình chiến thương mại vào ngày 1/ 3 tới. Sau hạn chót này, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận, Mỹ có thể tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Trump trước đó cũng đề cập gia hạn lệnh đình chiến thương mại nếu hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận thực sự. Mặc dù vậy, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 14/2 khẳng định vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Không nhiều kì vọng vòng đàm phán lần này có thể đạt được một thỏa thuận thương mại cuối cùng, giúp chấm dứt bất đồng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng cả Mỹ và Trung Quốc hiện đều mở ra cơ hội để đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ Trung Quốc.
Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Mỹ vào cuối tháng 1/2019 được cho là nhằm tìm kiếm một thỏa thuận từ Mỹ cho Hội nghị Thượng đỉnh. Tổng thống Mỹ cho biết không có cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước hạn chót ngày 1/3, nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cũng đã nêu khả năng về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Mar-a-Lago, Florida.
Nhận định trước thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết, nước này sẵn sàng duy trì tiếp xúc chặt chẽ với Mỹ nhưng chưa có thông tin về bất cứ chuyến thăm Mỹ nào của Chủ tịch Trung Quốc./.