Nguy cơ trên là do những cáo buộc lẫn nhau giữa chính phủ Syria và phe đối lập chính tham gia đàm phán, sau vụ bạo lực nghiêm trọng làm ít nhất 42 người thiệt mạng ở tỉnh Homs, miền Trung Syria.

jaafari_jhhy.jpg
Ông Jaafari. Ảnh: SANA.

Điều này đang đe dọa những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. 

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria hôm 25/2 cho biết, đã xảy ra hai vụ đánh bom nhằm vào các trụ sở an ninh tại trung tâm của Homs, thành phố lớn thứ ba tại Syria và hiện do chính phủ nước này kiểm soát, làm ít nhất 42 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Theo truyền hình Syria, có 6 đối tượng đã tham gia hai vụ đánh bom liều chết trên. Sau vụ việc vừa nêu, chính phủ Syria cho rằng vụ bạo lực đang phủ bóng đen lên cuộc đàm phán tại Geneva, khẳng định đây không chỉ là cuộc tấn công vì mục đích quân sự mà còn vì động cơ chính trị.

Đại diện của chính phủ Syria tham gia đàm phán, ông Bashar Al-Jaafari nêu rõ: “Đây là một phép thử và chúng tôi hy vọng phe đối lập sẽ lên án hành động tấn công khủng bố này. Nếu bất cứ bên nào từ chối lên án cuộc tấn công khủng bố tại Homs, điều này có nghĩa bên đó đang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.”

Ông Al-Jaafari cũng khẳng định chính phủ Syria chỉ có một điều kiện duy nhất đó là đàm phán với một lực lượng đối lập yêu nước và đoàn kết, đủ tin tưởng để có thể coi như một đối tác chính. Trước những tuyên bố cứng rắn của chính phủ Syria, phe đối lập chính tham gia đàm phán cũng thông báo đang mất dần kiên nhẫn, đồng thời hối thúc Nga gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để lệnh ngừng bắn được tuân thủ nghiêm ngặt. Phe này cáo buộc chính phủ Syria đã lợi dụng cuộc tấn công để phá hỏng vòng đàm phán, thậm chí còn bày tỏ hoài nghi về việc có sự tham gia của lực lượng chính phủ.

Ông Fateh Hassoun, đại diện phe đối lập tham gia đàm phán cho biết: “Homs được biết đến là khu vực rất an toàn, luôn luôn được giám sát. Và không cuộc tấn công nào có thể xảy ra nếu không được sự hỗ trợ của lực lượng an ninh – lực lượng có quyền tiếp cận khu vực này.”

Những diễn biến mới nhất này đang đe dọa phá vỡ vòng hoà đàm vừa được nối lại tại Thụy Sĩ, gần hai tháng sau khi một thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa quân chính phủ Syria và các phiến quân nổi dậy đổ vỡ, với các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. 

Thực tế cho thấy, bất đồng giữa chính phủ Syria và phe đối lập là không mới và sự kiện lần này chỉ như giọt nước làm tràn ly.

Ngoài những thách thức liên quan đến mạng lưới rối ren của quân nổi dậy, chiến binh Hồi giáo, người Kurd, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng được hậu thuẫn bởi nhiều quốc gia khác nhau, cuộc đàm phán còn phải đối mặt với quan điểm “bất di bất dịch” của hai phe phái đối địch ở quốc gia Trung Đông này.  

Theo giới phân tích, vấn đề mấu chốt của các vòng hòa đàm Syria vẫn là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi phe đối lập yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực trước khi thành lập một chính phủ chuyển tiếp, chính phủ Syria lại kiên định với lập trường rằng số phận của ông Assad không thể được đưa ra thảo luận. Đây là vấn đề khó nhượng bộ và thỏa hiệp giữa các phe phái đối địch tại Syria, trong bối cảnh xung đột và chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này sắp bước sang năm thứ 7. 

Đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy “ánh sáng cuối đường hầm” nào được nhen nhóm trong lộ trình gian nan đi tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria./.