Đã qua nhiều cái “vài tuần” kể từ ngày 30/6 - sau cuộc gặp “đầyngẫu hứngvà chớp nhoáng” lần 3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên giữa hai bên, ở mọi cấp, đến nay vẫn chưa thể nối lại. Đây cũng là chủ đề mà nhiều bên quan tâm, cả trong lẫn ngoài kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York, Mỹ. Hầu hết, các nước đều mong muốn tiến trình đàm phán này sẽ sớm được nối lại, với một sự lạc quan “nhất định”.

trump_kim_nzyw.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần gặp gỡ. Ảnh: UN.

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã dành 1 phần nội dung phát biểu của mình để  kêu gọi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, đây là cách duy nhất để quốc gia này có thể “khai thác các tiềm năng kinh tế to lớn” của mình, vốn đang bị kìm kẹp bởi cách lệnh trừng phạt.

Như 1 phản ứng đáp lại, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra những lời “có cánh”, đánh giá cao cách tiếp cận của đương kim Tổng thống Mỹ so với những người tiền nhiệm, trong vấn đề Triều Tiên; đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng đang mong chờ một quyết định “táo bạo”, “sáng suốt” từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, Cố vấn Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Kim Kye-gwan thừa nhận, việc gây sức ép bằng trừng phạt để buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán có thể “sẽ phản tác dụng”. Minh chứng chính là sự bế tắc trong đàm phán giữa 2 bên hiện nay.

Trong khi đó, hôm 28/9, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song nhận định, ông vẫn lạc quan về triển vọng Mỹ - Triều có thể sớm tổ chức 1 cuộc gặp cấp chuyên viên, để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa và đây đã là “khoảng thời gian thuận lợi” để thực hiện cuộc gặp như vậy.

Sự lạc quan của Đại sứ Triều Tiên Kim Song cũng là mong mỏi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mà ông đã nêu ra khi tới Mỹ để dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc: “Nhờ vào sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ, chúng tôi đã có thể đạt được những tiến bộ lớn trong mối quan hệ liên Triều và điều này cũng dẫn đến một cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Tôi hi vọng, các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm được nối lại, hướng tới 1 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Triều lần 3. Tôi kỳ vọng, cuộc gặp đó sẽ là khoảnh khắc lịch sử của thế giới, đó sẽ là một thành tựu tuyệt vời với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bày tỏ quyết tâm được gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Ông Abe khẳng định, nước này muốn bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên, thông qua giải quyết các vấn đề nổi cộm của hai bên. Và Tokyo rất coi trọng vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, sự bế tắc hiện nay trong vấn đề đàm phán hạt nhân Triều Tiên cho thấy những tiến bộ đã đạt được trong thời gian qua là “chưa hề chắc chắn”.

Ông Guterres nói: “Tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện nay vẫn chưa chắc chắn. Tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực để hướng tới hội nghị thượng đỉnh mới giữa Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên”.

Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua khẳng định, các bên liên quan không nên bỏ lỡ “cơ hội rõ ràng” về 1 giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên hiện nay. Theo ông, việc phi hạt nhân hóa nên được thực hiện đồng bộ, theo từng giai đoạn. Với việc Triều Tiên đã sẵn sàng tham gia tiến trình này, thì Mỹ và Liên Hợp Quốc nên “đáp lễ” phần nào những “thiện chí” của Bình Nhưỡng, nhằm củng cố hơn nữa 1 giải pháp chính trị cho vấn đề./.