Chỉ một ngày sau khi vòng đàm phán thứ 8 về việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 được nối lại, các nhà đàm phán của Nga và Iran hôm qua (28/11) nhận định, đàm phán bước đầu đã phát đi những tín hiệu tích cực và đang đi theo chiều hướng tốt đẹp. Vòng đàm phán lần này được nhận định là mang tính cấp bách và then chốt. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết tâm chung của các bên là tăng cường nỗ lực soạn thảo các văn bản của toàn bộ “gói” tài liệu cho thỏa thuận tương lai để đạt được các quyết định được cả hai bên chấp nhận được trong thời gian ngắn.

Đồng tình với quan điểm của Nga, giới chức Iran tự tin khẳng định một thỏa thuận có thể sớm đạt được trên tinh thần “thiện chí và nghiêm túc”. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng nếu các bên còn lại tiếp tục vòng đàm phán mới với thiện chí, thì việc đạt được một thỏa thuận tốt cho tất cả các bên là có thể. Có thể thấy trước một thỏa thuận nhanh chóng đạt được trong tương lai gần".

Trái với nhận định có phần lạc quan của Nga và Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lại cho rằng, còn quá sớm để nói liệu Iran có quay trở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn hay không. Bởi cho đến nay, tình hình cơ bản không thay đổi. Riêng việc Iran từ chối đàm phán trực tiếp với giới chức Mỹ cũng khiến Mỹ chỉ trích định dạng đàm phán như hiện nay chỉ làm chậm tiến trình đàm phán.

Không còn nhiều thời gian để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Các nhà lãnh đạo châu Âu mới đây đã phát đi cảnh báo sẽ không cho phép các cuộc đàm phán hạt nhân kéo dài thêm nữa và thời hạn chót cuối cùng để hoàn tất các vòng đàm phán này có thể vào đầu tháng 2 năm tới.

Dù mở ra những tiến triển mới, song cũng không nhiều kỳ vọng về những bước đột phá có thể đạt được trong vòng đàm phán lần này. Mâu thuẫn hiện đều nằm ở chỗ, các nước phương Tây luôn yêu cầu Iran loại bỏ nguy cơ hạt nhân trước khi gỡ các lệnh trừng phạt, trong khi Iran lại đòi hỏi ngược lại. Các hoạt động hạt nhân của Iran vẫn diễn ra rầm rộ trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đạt được đòn bẩy trước phương Tây. Chừng nào các bên vẫn một mực theo đuổi lợi ích riêng, không tìm được tiếng nói chung thì tiến trình đàm phán còn gặp khó.

Những bước phát triển hạt nhân đáng kể của Iran thời gian qua đã khiến các cường quốc thế giới và Israel không khỏi lo ngại. Thủ tướng Israel Naftali Bennett vừa hối thúc các cường quốc cần thể hiện một lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Quyết tâm không để quốc gia Hồi giáo này đứng trước ngưỡng cửa hạt nhân, phía Israel tuyên bố nước này dù hiện tại vẫn ưu tiên hành động hợp tác quốc tế, song nếu cần thiết sẽ “hành động một mình”./.