Đó là nhận định của tất cả các bên tham gia cuộc đàm phán ngày 16/3 tại Brussels (Bỉ). Song định lượng mức tiến bộ là “bao nhiêu” thì vẫn chưa đo đếm được và phải chờ đợi đến cuộc đàm phán vào ngày 21/3 tới.
Phát biểu sau các cuộc thảo luận ở Brussels với những người đồng cấp Iran, Pháp, Đức và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói: "Các cuộc thảo luận đã diễn ra rất tốt và hữu ích. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã chứng kiến sự tiến bộ trong nhiều tuần qua và chúng tôi vẫn tiếp tục đạt được những tiến bộ. Nhưng tôi vẫn phải nói rằng, đường đi đến đích vẫn còn dài”.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng nhấn mạnh: “Có một vài điểm cần phải giải quyết. Chúng tôi hi vọng rằng có thể tháo gỡ những bất đồng này. Cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc và chúng tôi vẫn chưa có một thỏa thuận”.
Phía Iran thừa nhận, nước này cũng đã thu hẹp được bớt được những khoảng cách về một số khía cạnh trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, Đài truyền hình nhà nước IRIB của Iran dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Iran Mohamad-Javad Zarif nêu rõ: “Những giải pháp về một số lĩnh vực đang trong tầm tay. Nhưng chúng tôi vẫn còn cách xa nhau ở một số lĩnh vực khác. Chúng tôi cần tiếp tục các cuộc đàm phán với tất cả các bên cho đến ngày 21/3 tới và chờ đợi kết quả”.
Các bên đều thừa nhận tiến bộ, song định lượng về mức tiến bộ là bao nhiêu thì không ai giải đáp được. Bởi trên thực tế, trong vấn đề hạt nhân của Iran, những bất đồng được coi là rào cản của mọi cuộc đàm phán vẫn là quan điểm trái chiều giữa Iran và Mỹ.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran Zarif tại Thụy Sỹ ngày 16/3, ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa nhấn mạnh việc Iran cần phải chứng tỏ được chương trình phát triển hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình.
Thậm chí, Ngoại trưởng Kerry cũng thừa nhận không chắc chắn về việc các bên có thể đi tới một thỏa thuận hay không. Điều này cho thấy, không có dấu hiệu nào chứng tỏ chính quyền Obama đã lãng quên suy nghĩ rằng chương trình hạt nhân của Iran có gắn với sự phát triển bom nguyên tử. Thực tế, sự đối đầu nhiều năm qua của 2 quốc gia này nằm ở chỗ, Iran khăng khăng chương trình hạt nhân của mình vì mục đích hoà bình, trong khi đó Mỹ khẳng định nó sẽ dẫn tới vũ khí hạt nhân.
Với sự thiếu tin tưởng như vậy, khó lòng nói rằng các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ có được một kết quả thực chất. Đó còn chưa kể, chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang phải chịu những áp lực lớn ngay trong chính nội bộ nước Mỹ.
Mới đây, một bức thư ngỏ “gây bão" của nhóm 47 nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ gửi tới chính quyền Iran cảnh báo sẽ chống lại hoặc rút bỏ mọi thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân nước này nếu không được Quốc hội Mỹ thông qua.
Sự việc sau đó đã khiến Iran lên tiếng bày tỏ sự thất vọng đối với Mỹ, đồng thời cảnh báo về sự sụp đổ của tiến trình đàm phán hạt nhân kéo dài hơn thập kỷ qua.
Vì vậy, khó có câu trả lời là khi nào thì một thỏa thuận thực chất giữa Iran với các bên liên quan sẽ đạt được, bất chấp các thời hạn chót liên tục được đặt ra./.