Tuy nhiên, Pháp cho rằng, thỏa thuận hạt nhân cần phải thành công vì lợi ích của nhiều bên. Còn các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC cũng hi vọng Iran sớm được gỡ bỏ trừng phạt và dầu của quốc gia Hồi giáo này có thể sớm trở lại thị trường, để hạ nhiệt cơn khan hiếm dầu và sốt giá.

Mỹ hôm qua (5/7) bày tỏ thất vọng việc Iran đưa ra những yêu cầu mới, không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân 2015 mà hai quốc gia này đang đàm phán gián tiếp để khôi phục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Iran liên tục đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi hoặc đề cập đến vấn đề không liên quan. Chúng vượt ra ngoài “bốn bức tường” của Kế hoạch Hành động chung Toàn diện – thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Thỏa thuận là điều duy nhất trong đàm phán - đó là chương trình hạt nhân của Iran. Việc đưa ra bất cứ điều gì vượt ra ngoài giới hạn của thỏa thuận này cho thấy sự thiếu nghiêm túc của Iran. Điều này không may là những gì diễn ra tại vòng đàm phán tại Doha, Qatar vừa qua. Chúng tôi rất thất vọng vì Iran đã không phản ứng tích cực với sáng kiến của EU và các bên đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào”.

Quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, hiện chưa có bất kỳ kế hoạch nào cho vòng đàm phán tiếp theo, dù phía Iran cho biết đang duy trì liên lạc với EU, để ấn định thời gian và địa điểm. Ông Ned Price khẳng định, Mỹ vẫn mong muốn đối thoại để quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân cùng với Iran.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian cho rằng, mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, và Washington cần thể hiện sự nghiêm túc và linh hoạt hơn trong đàm phán. Iran cần một thỏa thuận “lâu dài và mạnh mẽ”, với những lợi ích của Iran được đảm bảo.

Hiện vấn đề hạt nhân Iran cũng đang là một nội dung nghị sự quan trọng trong chuyến thăm Pháp của Tân Thủ tướng Israel Yair Lapid. Hôm qua, trong buổi tiếp với lãnh đạo Israel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, thỏa thuận hạt nhân với phía Iran cần phải thành công, dù biết rằng Israel đang mong muốn một thỏa thuận “cứng rắn hơn” dành cho Iran:

“Tôi muốn nói lại rằng, mong muốn của chúng tôi là đạt được sự thành công càng sớm càng tốt trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015. Chúng tôi đồng ý với Israel rằng thỏa thuận này sẽ không đủ để ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn của Iran, nhưng hơn bao giờ hết, tôi vẫn tin rằng một Iran đang ở ngưỡng cửa hạt nhân có thể tiến hành các hoạt động nguy hiểm hơn nữa. Và vì vậy, chúng tôi phải bảo vệ thỏa thuận này, khi tính đến lợi ích an ninh của các nước trong khu vực, bao gồm Israel", ông Emmanuel Macron nói.

Trước đó, ngoài lợi ích an ninh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề đến lợi ích kinh tế nếu các bên trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông từng đề xuất với người đồng cấp Mỹ Joe Biden về việc đưa dầu của Iran và Venezuela trở lại thị trường, để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng, bù đắp khoảng trống thiếu hụt trên thị trường do Nga không thể xuất khẩu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cũng đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này khi cho rằng ngành công nghiệp dầu khí “đang bị đe dọa vì nhiều yếu tố”: “Ngành công nghiệp dầu khí đang bị bao vây. Khởi nguồn là những diễn biến địa-chính trị đang gia tăng ở châu Âu, cuộc xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19 cùng áp lực lạm phát trên toàn cầu đã kết hợp lại, tạo ra một cơn bão cho sự biến động đáng kể và không chắc chắn trong thị trường hàng hóa nói chung và quan trọng hơn với thế giới là năng lượng".

Theo Tổng thư ký OPEC, trong những năm gần đây, thế giới đang đầu tư nhiều hơn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và sự đầu tư cho ngành dầu mỏ vì thế bị ảnh hưởng. Công suất sản xuất dầu hiện nay bị hạn chế và gặp khó trong việc bù đắp hàng triệu thùng dầu của Nga thiếu hụt trên thị trường. Giải pháp cho bài toán đó chính là khơi thông dòng chảy dầu từ Iran và Venezuela./.