Hôm qua (23/5), cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đều lên tiếng xác nhận đã đạt được tiến bộ “thực sự” trong vòng đàm phán thứ 4 về vấn đề hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. Vòng đàm phán thứ 5 dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này, đang được thế giới kỳ vọng sẽ là lần đàm phán cuối cùng, với việc Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận năm 2015.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, sau khi xem xét, đánh giá vòng đàm phán gần đây, Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran theo như các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015. Ông cũng cho rằng, chính sách “gây sức ép tối đa” của Mỹ đã không hiệu quả và bản thân nước Mỹ đã nhận ra điều này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định, các bên đã đạt được tiến bộ “thực sự” trong vòng đàm phán thứ 4 mới đây. Và nếu cả Mỹ và Iran có thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân “ban đầu”, thì hai nước có thể sử dụng điều đó làm nền tảng để tiến tới một thỏa thuận tiềm năng, lâu dài và mạnh mẽ hơn. Một thỏa thuận trong tương lai như vậy sẽ bao gồm nhiều vấn đề khác chứ không riêng gì hạt nhân. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, điều đầu tiên các bên cần làm là đưa vấn đề hạt nhân trở lại “trong hộp”.
Cũng theo ông Blinken, hiện Mỹ chưa rõ Iran có sẵn sàng tuân thủ các cam kết hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ trừng phạt hay không và các bước đi đầu tiên của Iran sẽ là gì. Do đó, các bên cần tiếp tục đàm phán.
Còn người điều phối của Liên minh châu Âu cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ tại Áo, ông Enrique Mora cho biết, ông “khá chắc chắn” về việc cả hai bên sắp đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, các bên không còn nhiều thời gian và thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được các bên liên quan quay lại tuân thủ càng sớm, càng tốt:
“Thời gian không còn nhiều. Chúng tôi đặt mục tiêu khôi phục hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran vì đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng Iran sẽ không thể sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Heiko Maas nói.
Cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf thông báo thỏa thuận giữa Iran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc giám sát chương trình hạt nhân của Iran đã hết hiệu lực trước đó 1 ngày (22/5). Theo đó, cơ quan Liên Hợp Quốc này sẽ không được truy cập những dữ liệu mà máy quay ghi lại bên trong các cơ sở hạt nhân Iran theo đúng thỏa thuận.
Hiện phía IAEA vẫn phải đang đàm phán với phía Iran để gia hạn thỏa thuận và cuộc họp báo được lên kế hoạch vào chiều qua của Tổng Giám đốc cơ quan này Rafael Grossi đã phải hoãn lại.
Theo giới phân tích, việc ngăn IAEA tiếp cận các cơ sở hạt nhân có thể tác động tiêu cực đến vòng đàm phán hạt nhân sắp tới tại Áo. Rất may, một nguồn tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran cho biết, thỏa thuận giám sát giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có khả năng sẽ được gia hạn “có điều kiện” thêm 1 tháng nữa./.