Hôm 15/5, Philippines đưa ra lời xin lỗi cấp cao nhằm cứu vãn mối quan hệ với Đài Loan sau khi lực lượng tuần duyên Philippines bắn chết 1 ngư dân Đài Loan. Tuy nhiên, Đài Bắc vẫn bác bỏ lời xin lỗi này và công bố 1 loạt biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm ngừng tiếp nhận lao động Philippines vốn có đóng góp quan trọng đối với kinh tế quốc gia Đông Nam Á này.

Hôm 16/5 truyền thông Philippines nói Tổng thống Benigno Aquino đã “nuối tiếc sâu sắc” về vụ nổ súng vào ngư dân, nhưng Đài Loan coi lời xin lỗi này là thiếu chân thành. Hôm 15/5, Đài Loan đã triệu hồi nhà ngoại giao hàng đầu của mình tại Manila về nước.

Sau khi lời xin lỗi được đưa ra, Thủ tướng vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) Giang Nghi Hoa đã phát biểu tại 1 buổi họp báo rằng “tuyên bố này là điều mà chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận”. Ông Giang nói, “Philippines một mặt xin lỗi, mặt khác lại nhấn mạnh rằng đó (vụ bắn súng) không phải là một hành động cố ý.”

tong%20thong%20philippines%20aquino.jpg
Đích thân Tổng thống Philippines Aquino đã gửi lời xin lỗi tới Đài Loan trong nỗ lực giảm căng thẳng ngoại giao giữa 2 bên (ảnh: Inquirer.net)

Căng thẳng gia tăng với Philippines – quốc gia nằm cách Đài Loan 250km về phía Nam, có thể làm suy yếu một mắt xích trong liên minh lỏng lẻo Vành đai Thái Bình Dương gồm Đài Bắc, Manila, Seoul và Tokyo.

Về ngắn hạn, Manila đặc biệt hy vọng duy trì được việc xuất khẩu lao động, mà nhờ đó hiện nay Philippines có 88.000 nhân công làm việc ở Đài Loan, góp phần chuyển về Philippines 1 lượng kiều hối chiếm tới 9% nền kinh tế nước này vào năm 2011.

Giới chủ nhà máy Đài Loan đã từ Trung Quốc đại lục trở về hòn đảo này để tận dụng nhân lực giá rẻ của Philippines.

Quốc đảo Đông Nam Á cũng quay sang Đài Loan để tìm kiếm thu nhập và phát triển du lịch trong bối cảnh các siêu sòng bạc bắt đầu mở ra ở Manila. Thương mại 2 chiều năm 2012 lên tới gần 11 tỷ USD, biến Philippines thành đối tác thương mại thứ 2 của Đài Loan.

Đài Loan hiện muốn gây sức ép về một lời xin lỗi. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Aquino, vốn được coi là cứng rắn trong chính sách đối ngoại, cũng không muốn bị coi là yếu thế ở trong nước, nhất là khi liên minh của ông tranh cử 241 ghế nghị viện đầu tuần này.

Về phía Đài Loan, Tổng thống vùng lãnh thổ này là Mã Anh Cửu cũng mong muốn được nhìn nhận là cứng rắn về đối ngoại trong bối cảnh một số nhà phê bình nội địa cho rằng ông Mã để cho hòn đảo Đài Loan quá phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc.

Tháng trước, chính quyền của ông Mã hối thúc Nhật Bản ký một thỏa thuận cho phép thuyền đánh cá Đài Loan vào khu vực hơn 4.500km2 thuộc Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát. Trước thời đó, tỷ lệ ủng hộ ông trong dân chúng đã sụt xuống 13%, theo một kênh truyền hình địa phương./.