Chủ đề của hội thảo lần này là "5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA về Biển Đông ngày 12/7/2016: Đàm phán và những hành vi bắt nạt mới".
Sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế được ban hành, tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thời gian qua, trong bối cảnh toàn thế giới đang phải căng sức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã cố gắng tạo ra những "thực tế mới" trên thực địa, tiếp tục "bắt nạt" các quốc gia khác. Hành động của Trung Quốc bị nhiều nước phản đối. Ngày 23/1/2021, Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tuyên bố tương tự đã được các nước như Anh, Pháp, Đức, Malaysia, Australia, New Zealand, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Mỹ đưa ra.
Trong bối cảnh đó, hội thảo sẽ phân tích tình hình Biển Đông trong 5 năm qua, những diễn biến phức tạp trên thực địa, sự xuất hiện của một "liên minh chống bá quyền" quốc tế và những hành động, chính sách đối ngoại của Trung Quốc liên quan tới xung đột ở Biển Đông.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Đức và quốc tế về Biển Đông như Giáo sư Thomas Engelbert- Đại học Hamburg; Giáo sư Suzette Suarez- Đại học Khoa học ứng dụng Bremen; Tiến sỹ Takashi Hosoda, Đại học Charles (Cộng hòa Séc); Tiến sỹ, nhà báo Rodion Ebbighausen- truyền hình Deutsche Welle; Tiến sỹ Gerhard Will - nguyên chuyên gia về biển Đông của Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP) cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và học giả quan tâm tới vấn đề này.
Đây là lần thứ tư Viện Á-Phi, Đại học Hamburg tổ chức hội thảo về Biển Đông Các hội thảo trước đó được tổ chức vào năm 2017 và 2020, thu hút sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu và dư luận quốc tế. Do đại dịch Covid-19, hội thảo lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Những người quan tâm có thể trực tiếp theo dõi hội thảo theo địa chỉ được cung cấp trên trang web của Đại học Hamburg./.