Tính đến ngày 15/3, tổng số người mắc Covid-19 trên toàn cầu đã chạm con số 152.000, với hơn 5.800 ca tử vong và dịch bệnh đã có mặt tại 151 quốc gia trên toàn thế giới. Tâm điểm của đại dịch hiện là châu Âu, với những điểm nóng như Italy, Tây Ban Nha và Pháp; trong khi điểm nóng Iran ở Trung Đông vẫn chưa thể cải thiện được tình hình.

corona_nikkei_filc.jpg
Ảnh: Nikkei Asian Review

Tại châu Âu - “tâm điểm” của Đại dịch đã chứng kiến một ngày cuối tuần có số ca nhiễm mới tăng chóng mặt. Tính đến ngày 14/3, tổng cộng có hơn 40.000 ca nhiễm được xác nhận tại 42 quốc gia châu Âu. Trong số đó, 7 quốc gia có số trường hợp nhiễm trên 1.000 là Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh và Na Uy. Nhiều quốc gia châu Âu đã quyết định đóng cửa các địa điểm công cộng đông người như trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar, nhà hát, rạp chiếu phim… và chỉ cho phép các hiệu thuốc và siêu thị hoạt động để phục vụ người dân.

Ngày 14/3, nhiều bệnh viện tại miền Bắc Italy tuyên bố họ đã gần đến ngưỡng sụp đổ, đồng thời lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp và tức thì từ chính phủ Italy và cộng đồng quốc tế trong lúc tiếp tục có thêm 175 người thiệt mạng và hơn 3.500 ca mắc mới tại nước này trong ngày 14/3. Đây là con số cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng số ca tại nước này lên hơn 21.000 và gần 1.500 người tử vong.

Còn ở Tây Ban Nha, cơ quan y tế Tây Ban Nha ngày 14/3  xác nhận có hơn 6.300 người người nhiễm, tăng hơn 1.500 người so với trước đó 1 ngày; trong khi con số tử vong đã là 191. Tối 14/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phải ra lệnh phong toả hầu như toàn bộ lãnh thổ Tây Ban Nha, trong vòng 15 ngày, nhằm ngăn chặn đại dịch.

“Bắt buộc từ hôm nay, người dân chỉ có thể ra đường, để mua thực phẩm, dược phẩm, những nhu yếu phẩm và đến bệnh viện. Người dân được phép ra đường đi làm, hoặc rút tiền ở ATM, nhưng không được ra đường để ăn tối ở nhà bạn bè, uống cà phê hay làm bất kỳ điều gì đó được coi là giải trí. Đó là các biện pháp mà chính phủ phải làm để bảo vệ người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên nó sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội một cách rõ ràng”, Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh.

Trong ngày 14/3, Pháp cũng đã có hơn 800 ca mắc mới và 13 ca tử vong.  Theo giới chức y tế Pháp, nước này hiện có 91 ca tử vong trong đó có khoảng 300 trường hợp đang được chăm sóc đặc biệt. Cơ quan y tế Pháp chính thức công bố nước này bước vào giai đoạn 3 của dịch Covid-19, tức là giai đoạn nước Pháp phải công bố dịch và áp dụng những biện pháp mạnh để hạn chế tác động.

Tại các nước châu Âu khác như Đức, Anh, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Hy Lạp… tình hình dịch Covid-19 vẫn chuyển biến xấu với số ca nhiễm mới  và tử vong tiếp tục tăng.

Ở Mỹ, số ca mắc Covid-19 cũng tăng kỷ lục lên tới 2.569, trong khi số ca tử vong là 51. Một ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nền kinh tế đất nước đang ở trong tình trạng tài chính tốt nhất khi đối phó với các tác động của Covid-19, song vẫn hi vọng Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.

“Đất nước chúng ta đang ở trong tình trạng tài chính tốt nhất, rất khác với trong quá khứ. Nền tài chính bền vững nhờ vào tất cả những giao dịch và những việc mà chúng tôi đã làm. Chúng tôi hi vọng Cục Dự trữ liên bang cuối cùng cũng sẽ hành động và làm những gì họ nên làm. Nói một cách thẳng thắn, tất cả chúng ta có thể làm cùng nhau, nhưng họ nên chủ động hơn”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Tại Trung Đông và châu Á cũng xác nhận nhiều ca nhiễm mới. Hàn Quốc đến cuối ngày 14/3 ghi nhận 76 trường hợp mới; trong khi Nhật Bản là 63 trường hợp. Tuy nhiên, hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố hiện chưa phải là thời điểm cần thiết phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản sẽ chuẩn bị tốt để tổ chức Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic đúng kế hoạch.

Iran là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Trung Đông. Nước này hôm qua đã báo cáo 97 trường hợp tử vong mới, đưa số người tử vong vì Covid-19 tại thời điểm hiện tại là 611, đồng thời xác nhận ít nhất 1.365 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số lên tới 12.729.

Cũng theo giới chức Y tế Iran, dù số ca mắc và tử vong tăng, song nước này đã điều trị thành công cho 4.339 người được xuất viện. Trong bối cảnh dịch ngày càng diễn tiến xấu, hôm qua, Tổng thống Hassan Rouhani của Iran đã phải viết thư gửi đến một số người đồng cấp một số nước đề nghị họ giảm nhẹ trừng phạt Iran. Thông tin này được Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo trên Twitter, nhưng không nói rõ thư được gửi đến các lãnh đạo của những nước nào./.