Ông Nicolas Sarkozy, người giữ chức Tổng thống Pháp trong giai đoạn từ 2007 đến 2012, bị cảnh sát tư pháp Nanterre, thành phố ở ngoại ô Paris, triệu tập đến điều trần vào sáng 20/3 và hiện bị tạm giữ tại đây.

skynews_nicolas_sarkozy_sarkozy_4260116_xeoz.jpg
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: News.sky.

Nguyên nhân ông Sarkozy bị tạm giữ là do ông này bị nghi có liên quan đến việc nhận tiền bất hợp pháp từ chính phủ Lybia năm 2006 để tài trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp của mình năm 2007.

Cụ thể, theo các điều tra từ giới báo chí Pháp, tháng 11/2006, một nhân vật thân cận của ông Sarkozy là ông Claude Guéant, người sau này làm Bộ trưởng Nội vụ Pháp, đã nhận 1 valy tiền mặt trị giá 5 triệu euro từ chính quyền Lybia khi đó của cố lãnh đạo Kadafi. Số tiền này sau đó được chuyển cho ông Sarkozy để ông này chi cho chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Trước các chứng cứ do báo chí Pháp đưa ra, vào tháng 4/2013, giới chức nước Pháp đã mở một hồ sơ tư pháp để điều tra vụ việc. Ông Sarkozy sau đó đã bị đặt vào diện bị điều tra với tội danh “đồng phạm nhận hối lộ tiền công của nước ngoài” và “đồng phạm tham ô công quỹ Lybia”.

Tuy nhiên, phiên điều trần trước cảnh sát tư pháp sáng ngày 20/3 này là lần đầu tiên ông Sarkozy phải đối mặt với các nhà điều tra về vụ việc này.

Theo nhận định của báo giới Pháp, việc ông Sarkozy bị tạm giữ, với thời hạn có thể lên tới 48 tiếng, là dấu hiệu cho thấy các nhà điều tra Pháp có thể đã tìm ra được nhiều bằng chứng thuyết phục về sự dính líu trực tiếp của vị cựu Tổng thống Pháp đến scandal này.

Trên thực tế, từ sau khi rời ghế Tổng thống Pháp vào tháng 6/2012, ông Sarkozy cũng đã bị điều tra về một nghi án gian lận tài chính khác liên quan đến cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012.

Khi đó, ông Sarkozy bị tình nghi đã chỉ đạo kế toán của đảng Những người cộng hoà làm các hoá đơn khống để hợp thức hoá các khoản chi cho truyền thông vượt quá quy định trong chiến dịch tranh cử./.