Một bộ phận người dân Mỹ và chính quyền của Tổng thống Donald Trump thường chỉ trích chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama đối với Syria là không hiệu quả vì “yếu đuối”. Đáp lại những chỉ trích này, ông Obama mới đây thừa nhận rằng chính sách của ông đối với Syria rút cuộc vẫn chưa phải là “một giải pháp hoàn hảo”.
Hình ảnh Tổng thống Obama lần cuối cùng xuất hiện ở Nhà Trắng ngày 20/1/2017. Ảnh: AP. |
Chia sẻ với Jack Schlossberg, cháu trai của Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy, Tổng thống thứ 44 của Mỹ Barack Obama cho biết việc triển khai lực lượng trên bộ tới Syria là “vấn đề khó khăn nhất” mà ông phải giải quyết, đặc biệt là khi biết chắc chắn những thanh niên Mỹ ở độ tuổi đôi mươi sẽ phải đến một môi trường “vô cùng thù địch”. Ông cũng khẳng định,việc kiềm chế không dội bom Syria đã “đòi hỏi dũng khí chính trị cao nhất” của ông khi còn nắm quyền.
Ông Obama là người phản đối mạnh mẽ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và trong suốt thời gian còn là Thượng nghị sỹ, ông từng nói rõ rằng, dù không phải là người theo chủ nghĩa hòa bình, ông kịch liệt phản đối những cuộc chiến “vô nghĩa”.
Ông Obama chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ ở Iraq từ ngày 31/8/2010 và trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông đã rất thận trọng, không muốn nước Mỹ sa lầy vào một cuộc xung đột vũ trang không hồi kết nào nữa.
“Lý do khiến nó [quyết định để Mỹ tham chiến – ND] khó khăn đến thế là vì với tư cách Tổng thống, điều bạn nhận ra là thông thường bạn sẽ được tán dương khi có hành động quân sự và sẽ bị chỉ trích nếu không làm điều đó”, ông Obama chia sẻ với Jack Schlossberg.
“99% của kho vũ khí hóa học khổng lồ [ở Syria – ND] đã được dỡ bỏ mà không cần chúng ta phải bắn một viên đạn”, ông Obama nói về di sản của mình ở Syria. Nhưng trong một khoảnh khắc nhìn lại bản thân, ông Obama thừa nhận chính sách về Syria của ông, vốn bị chỉ trích là yếu đuối và mâu thuẫn, thực sự chưa phải là “một cú ghi điểm lớn” trong nhiệm kỳ Tổng thống.
Khác với sự thận trọng của ông Obama, người kế nhiệm Donad Trump tỏ ra quyết liệt hơn trong vấn đề Syria. Với cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng khí độc sarin trong một vụ tấn công hồi đầu năm nay bất chấp việc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tuyên bố đã hủy toàn bộ vũ khí hóa học ở Syria từ tháng 1/2016, Tổng thống Donald Trump viện cớ đó để dội 59 quả tên lửa Tomahawk xuống căn cứ không quân Sha’irat ở Homs để trả đũa./.Chiến lược chống IS của Tổng thống Trump: Bản sao từ ông Obama?
Hậu nhiệm kỳ “không giống ai” của cựu Tổng thống Obama